Qua rà soát, trên địa bàn thành phố đến cuối năm 2024 còn tới gần 3 nghìn cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Nguyên nhân là nhiều cơ sở sai phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị ngay từ ban đầu, nhưng không được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xử lý triệt để dẫn đến xảy ra những bài học đau xót. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo thẩm quyền, còn có tư tưởng thoái thác, trông chờ vào lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, ngày 6-2-2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đã ký Quyết định số 614/QĐ-UBND về việc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác An toàn, vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ năm 2025.
Theo đó, thành phố sẽ thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ năm 2025 tại 30 doanh nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, kết luận việc chấp hành các quy định của pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ của các đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật…
Việc kiểm tra để chấn chỉnh ngay những sai phạm là cần thiết, tuy nhiên, muốn hạn chế tối đa các vụ cháy xảy ra tại các doanh nghiệp, khu dân cư… thời gian tới cần phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân về phòng cháy, chữa cháy.
Nhân rộng các mô hình về phòng cháy, chữa cháy đã triển khai có hiệu quả trong năm qua; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.
Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND của HĐND thành phố ngày 19-11-2024 quy định các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, với mục tiêu khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy của thành phố. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở thực hiện điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm đúng quy định, nhất là đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng, vi phạm là nguyên nhân gây cháy, nổ, cháy lan, cháy lớn.
Qua điều tra, hiện thành phố còn thiếu 10.167 trụ nước chữa cháy, 1.673 bể nước chữa cháy, 848 bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy. Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2025, các sở, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây mới các trụ nước chữa cháy, hố thu nước chữa cháy, đặc biệt là trên địa bàn các quận nội thành; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai Tổ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tinh nhuệ theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Đồng thời duy trì hoạt động trải nghiệm, thực hành kỹ năng nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu cho lực lượng chuyên nghiệp; nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho cộng đồng. Tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”.
Hà Trang