Theo Phòng CSGT, ngay ngày đầu tiên của đợt cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các đơn vị đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Trong quá trình xử lý, các tổ công tác tập trung xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn được xác định là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo đánh giá, mặc dù vi phạm về nồng độ cồn đã giảm so với trước kia nhưng cá biệt vẫn phát hiện nhiều trường hợp vi phạm ở mức cao hơn kịch khung (hơn 0,4 miligram/lít khí thở).
Tổ công tác đo nồng độ cồn người tham gia giao thông trên đường Nguyễn Văn Cừ
Ghi nhận vào đầu giờ chiều từ 1h30 đến 1h45 ngày 16/12, tổ công tác Đội CSGT số 5, Phòng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên đã phát hiện liên tiếp nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung.
Điển hình là trường hợp ông Phạm Đình L (sinh năm 1978, ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29D1-738.xx; vi phạm nồng độ cồn mức 0,835 miligram/lít khí thở (hơn gấp đôi mức kịch khung).
Máy đo trường hợp vi phạm nồng độ cồn mức 0,835 miligram/lít khí thở.
Tương tự là trường hợp ông Lê Trung T (sinh năm 1973, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29K1-018xx, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,936 miligram/lít khí thở (gần bằng 2,5 lần mức kịch khung).
Máy đo trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,936 miligram/lít khí thở.
Trình bày với tổ công tác, cả 2 "ma men" nói trên đều trong trạng thái buồn ngủ, không tỉnh táo và nại đủ lí do, lúc thì nói không uống rượu bia, phải đi đón con cháu, lúc thì thừa nhận có ngồi uống với bạn bè từ sáng vừa đứng dậy đi về…
Các phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn bị tạm giữ.
Đáng quan tâm, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn như trên chưa phải là mức vi phạm cao nhất được phát hiện trong vòng 1 tháng trở lại đây, bởi theo thống kê của Phòng CSGT, đã có trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức gần gấp 10 lần mức vi phạm kịch khung bị phát hiện trên địa bàn quận Long Biên.
Trung tá Hà Tuấn Minh, cán bộ Đội CSGT số 5, Phòng CSGT, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, là đơn vị phụ trách tuyến cửa ngõ phía Đông và Bắc của Thủ đô, trên địa bàn có 7 cây cầu bắc qua sông Đuống, sông Hồng và tiếp giáp các tuyến quốc lộ 1A, 1B, 5A, 5B từ các tỉnh về Hà Nội và ngược lại nên việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn và các hành vi liên quan trật tự an toàn giao thông luôn được tập trung cao nhất.
"Bước vào đợt cao điểm từ 15/12/2024 đến tháng 2/2025, việc xử lý nồng độ cồn sẽ càng được tiếp hành tập trung cao nhất. Quá trình làm nhiệm vụ, bất kỳ nghi vấn nào từ người đi xe đạp đến điều khiển ô tô, nam hay nữ cũng đều bị kiểm tra. Có người bị kiểm tra 2 lần trong cùng 1 khung giờ ở 2 quãng đường và cho là phiền hà đều được tổ công tác giải thích để chấp hành một cách nghiêm túc", Trung tá Hà Tuấn Minh cho biết thêm.
Đợt ra quân cao điểm trước, trong và sau Tết Ât Tỵ 2025, CSGT sẽ xử lý nhiều vi phạm, trong đó có nồng độ cồn.
Được biết, đợt ra quân cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân 2025, CSGT sẽ xử lý nhiều vi phạm, trong đó có nồng độ cồn. Thời gian thực hiện cao điểm diễn ra từ ngày 15/12/2024 – 14/2/2025.
Kết quả ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã xử lý 911 trường hợp vi phạm, trong đó trên đường bộ xử lý 895 trường hợp, đường sắt 2 trường hợp và đường thủy phát hiện 14 vi phạm; phạt tiền 1.594.365.000 đồng; tạm giữ 317 phương tiện; tước 141 giấy phép lái xe.
Tin có thể bạn quan tâm:
Minh Đức