Vụ đốt cháy quán cà phê (địa chỉ số 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) vào đêm 18-12 vừa qua khiến 11 người tử vong khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Bởi, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn giữa đối tượng gây án và nhân viên của quán đã khiến 11 người vô can ra đi mãi mãi.
Từ câu chuyện đau lòng này, bạn đọc cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguyên nhân, diễn biến, hậu quả cũng như về an toàn PCCC của cơ sở kinh doanh này và đặc biệt vấn đề tâm lý, nhân tính của đối tượng gây án…
Hiện trường vụ cháy quán cà phê khiến 11 người tử vong Ảnh: PHI HÙNG
Hành vi quá vô cảm, quá tàn ác!
Bạn đọc Trần Mạnh Hùng nêu ý kiến: “Theo lời khai của đối tượng gây án, nguyên nhân xuất phát từ việc đối tượng quên mang theo tiền nên bị nhân viên quán tác động vật lý. Đối tượng sau đó đã gây ra hành động này nhằm mục đích trả đũa. Hãy nhớ rằng đã có nhiều câu chuyện xảy ra do lời lẽ qua lại, mâu thuẫn cá nhân, thiếu kiềm chế mà dẫn đến giết người, thậm chí liên lụy người vô tội. Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, phải thật bình tĩnh giải quyết vấn đề, đừng vì phút nóng vội mà làm mọi chuyện trở nên tồi tệ”.
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Nguyễn Hữu Dũng cũng nêu ý kiến: “Lúc giữa đêm, đối tượng đi mua xăng lại đựng xăng bằng xô. Dù quy định không cấm nhưng người bán xăng cũng cần phải cảnh giác với các trường hợp có hành vi bất thường, khác lạ. Nếu từ chối bán xăng và trình báo công an thì thảm kịch có thể đã không xảy ra. Những địa điểm bán xăng, các chất cháy nổ nên cân nhắc kỹ trong vấn đề này”.
“Hành vi này thật quá vô cảm, quá tàn ác! Xem video hắn bình tĩnh đến công an đầu thú sau khi gây án và kể lại câu chuyện như một chiến công. Vừa kể hắn vừa cười cợt, nụ cười đó là tiếng khóc xé lòng của biết bao con người vô tội. Hắn đã cướp đi 11 sinh mạng và để lại vô vàn đau thương, mất mát cho người ở lại. Vậy mà hắn vẫn chưa có một thái độ ăn năn hay một câu hối lỗi, thật khiến người ta khiếp sợ” - bạn đọc Tú Anh bày tỏ.
Ngôi nhà bị phóng hỏa đêm 18-12. Ảnh PHI HÙNG
Phòng cháy cần đi đôi với quản lý chất dễ gây cháy
Bạn đọc Nguyễn Thúy Vi bình luận: “Ở đây, chúng ta cũng cần phải đặt ra trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC của cơ sở kinh doanh này. Sức cháy từ xăng là quá khủng khiếp, vài ba bình chữa cháy cũng không ăn thua. Tuy nhiên, nếu có mặt nạ phòng độc thì số lượng người tử vong vì ngạt khói sẽ được hạn chế hoặc có cửa sau, lối thoát hiểm cũng sẽ giảm lượng người thương vong bởi, theo thông tin đối tượng đốt cháy quán cà phê đã tạt xăng phía trước, không tạt trực tiếp vào người. Hơn nữa, có thể thấy mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong tích tắc, vì vậy việc tập huấn thường xuyên các tình huống PCCC là vô cùng cần thiết”.
Cùng quan điểm về PCCC, bạn đọc Ngọc Hân chia sẻ: “Hà Nội đất chật, người đông, những vụ hỏa hoạn xảy ra trong thời gian qua hầu hết có số lượng tử vong rất cao. Cần đặt vấn đề về tình trạng quản lý phòng ốc cho thuê và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phải có yêu cầu về lối thoát hiểm, nếu chỉ một lối ra vào như thế này thì khó cứu. Bên cạnh đó, việc bán xăng dầu cũng cần được quản lý nghiêm, người mua phải chứng minh mục đích sử dụng nếu mua mang đi mà không đổ vào xe. Phòng chống cháy phải bao gồm việc quản lý hiệu quả các chất có khả năng dễ gây cháy nổ nữa thì mới khả thi”.
Quá bức xúc với hành vi tàn nhẫn của đối tượng gây án và hậu quả đau thương mà đối tượng để lại, nhiều bạn đọc đề nghị xử lý nghiêm đối với trường hợp này dù vì bất kỳ lý do nào. Trong số đó, bạn đọc Xuân Thủy đã đề nghị:
“Từng có hai lần bị kết án, liệu hình phạt tù có thực sự làm cho những kẻ thủ ác ăn năn hối cải. Có lẽ pháp luật nước ta còn quá nhẹ tay với những hành vi xem thường pháp luật như thế. Cứ tăng hình phạt kịch khung, giết người thì phải tử hình. Yêu cầu xử phạt đối tượng này mức án tử hình, đem vụ án đưa ra xét xử sớm làm án điểm và cần xét xử lưu động để lấy đó làm răn đe. Phải cách ly ra khỏi xã hội sớm những kẻ mất nhân tính, có hành vi man rợ như thế này”.
Kẻ phóng hỏa đối mặt mức nào?
Trao đổi với PV, Luật sư Vũ Duy Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi làm chết 11 người và gây thiệt hại lớn về tài sản, đối tượng đốt cháy quán cà phê có thể sẽ bị xem xét 2 tội danh.
Tội thứ nhất là tội giết người theo Điều 123 BLHS, đối tượng sẽ đối mặt khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân, hoặc tử hình. Việc cơ quan Công an TP Hà Nội quyết định khởi tố bị can về tội giết người là hoàn toàn đúng và có cơ sở.
Tội thứ hai là tội hủy hoại tài sản theo Điều 178 BLHS. Mức độ thiệt hại về tài sản được tính toán dựa trên giá trị tài sản bị phá hoại, từ đó áp dụng khung hình phạt. Phạt tù từ 5 - 10 năm tù nếu thiệt hại từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, hoặc từ 10 - 20 năm tù nếu thiệt hại lên đến 500 triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, trường hợp này, thiệt hại về tài sản có thể vượt quá mức nếu quán cà phê có giá trị lớn, chưa kể đến những thiệt hại phụ như chi phí cứu chữa, tổn thất liên quan đến việc điều tra, khắc phục hậu quả…
Điểm đáng lưu ý, với hai tiền án trước đó, đối tượng còn có thể bị xử lý với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vì tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm là khi người phạm tội đã bị kết án trước đó, chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội mới. Điều này sẽ dẫn đến việc xử lý nghiêm khắc hơn; Tái phạm nguy hiểm là khi người phạm tội đã từng phạm các tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mới trong cùng loại tội phạm.
Căn cứ theo Điều 52 BLHS, tình tiết tăng nặng khiến mức án của bị can có thể lên đến mức cao nhất của khung hình phạt.
Ngoài ra, việc bị can chủ động tới trụ sở công an để khai nhận hành vi phạm tội, cần xác định tại thời điểm tới trụ sở công an, hành vi của nghi phạm đã bị lực lượng chức năng phát hiện chưa. Nếu chưa, đây có thể thuộc trường hợp người phạm tội tự thú và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 51 BLHS. Trường hợp hành vi đã bị phát hiện được xem người phạm tội đầu thú, căn cứ khoản 2 Điều 51 BLHS cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét ghi nhận tình tiết giảm nhẹ đối với nghi phạm.
Luật sư Vũ Duy Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM
HUỲNH THƠ