Không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Luật Ban hành VBQPPL 2015 quy định chưa rõ ràng về văn bản thuộc đối tượng kiểm tra. Các quy định về kiểm tra văn bản hiện nay được quy định tại các Điều 165, 166, 167 của Luật, tuy nhiên, giữa tên điều luật và nội dung điều luật, nội dung giữa các điều với nhau chưa thực sự tương thích, rõ ràng, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, xác định diện văn bản được kiểm tra, thời điểm kiểm tra. Mối quan hệ giữa VBQPPL nói chung với VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật hoặc giữa đối tượng của hoạt động tự kiểm tra văn bản và kiểm tra theo thẩm quyền chưa phân định rõ ràng... Bên cạnh đó, văn bản hành chính có chứa QPPL hiện nay được quy định là đối tượng kiểm tra nhưng chưa có cơ sở vững chắc trong luật.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, thẩm quyền của Bộ Tư pháp trong xử lý văn bản trái pháp luật chưa thực sự tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý văn bản trái pháp luật kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.
Ngoài ra, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật chưa được quy định trong luật. Do đó, cần có quy định về vấn đề này trong luật nhằm tạo cơ sở đề xuất xử lý trách nhiệm trong trường hợp Đảng và Nhà nước có quy định pháp luật liên quan về vấn đề này. Qua đó, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm, chất lượng ban hành văn bản, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, giảm thiểu văn bản trái pháp luật, giảm được rủi ro, hậu quả, tác hại từ các văn bản trái pháp luật.
Câu chuyện chậm xử lý văn bản trái luật nhiều lần được đề cập đến trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và diễn đàn Quốc hội. Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, với số lượng văn bản có quy định trái pháp luật vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhưng mới chỉ xử lý được 80/138 văn bản, số văn bản chưa được xử lý là 58 văn bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân vẫn còn những văn bản trái pháp luật chưa được xử lý?
Không quy định, khó xử lý
Không khó để thấy được hệ lụy của việc văn bản trái pháp luật gây ra. Đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan thực thi, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức cá nhân. Và ở mức độ rộng hơn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Điều đáng nói là, dường như câu chuyện xử lý trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân để “lọt” những văn bản này vẫn còn bỏ ngỏ. Khoảng trống pháp lý, khoảng trống trách nhiệm này đã ảnh hưởng đến chất lượng VBQPPL. Điều này cần sớm được khắc phục.
Trong Báo cáo Tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Bộ Tư pháp đã đề nghị, đổi mới, hoàn thiện các quy định về rà soát, kiểm tra, xử lý VBQPPL. Theo đó, nghiên cứu để hoàn thiện theo hướng quy định nguyên tắc nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản thông qua cơ chế xử lý trách nhiệm khi ban hành văn bản trái pháp luật. Cùng với đó, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc chủ động kiểm tra, rà soát văn bản. Xác định rõ văn bản thuộc đối tượng kiểm tra là VBQPPL nói chung hay VBQPPL “có dấu hiệu trái pháp luật”, tránh tạo ra cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong áp dụng, thực hiện.
Trong cuộc làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và phương hướng thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia. Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm: Một là, bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao "năng suất và chất lượng" xây dựng pháp luật. Hai là, bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất. Ba là, bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật.
Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, phân định rõ khâu xây dựng chính sách và quy phạm hóa chính sách; chính sách phải cụ thể, rõ ràng; các hoạt động tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thu thập thông tin, đánh giá tác động chính sách, lựa chọn chính sách cần thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm túc. Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo VBQPPL tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất. Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quá trình soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra, xây dựng chính sách và ban hành VBQPPL Bộ Tư pháp khẩn trương tham mưu với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các tư duy, quan điểm mới trong xây dựng pháp luật.
Như vậy, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật là rất cần thiết, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, nhằm khơi thông điểm nghẽn về mặt thể chế. Qua đó, tạo lập khung khổ pháp lý vừa bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ vừa bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, ở lần sửa đổi Luật lần này, cần rõ hơn trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình xây dựng VBQPPL, trong đó, cần rõ cơ chế để xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân đề xuất, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.
Song Hà