Xây dựng nhà, xưởng lấn chiếm bãi sông làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hồng, đoạn qua Hà Nội. (Ảnh TRẦN AN)
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trong tháng 5/2025, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Các hành vi vi phạm chủ yếu là đổ chất thải, san gạt tạo mặt bằng, tôn cao nền bãi sông, xây dựng công trình trái phép như nhà tạm, nhà kho, nhà xưởng trên diện tích đất công, đất nông nghiệp tại khu vực bãi sông.
Đi dọc tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội không khó để nhận thấy nhiều trường hợp vi phạm không được ngăn chặn kịp thời, dẫn đến vi phạm phát triển với quy mô lớn không chỉ gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, thoát lũ của tuyến sông và ô nhiễm môi trường trong khu vực.
Hiện nay, số vụ vi phạm mà các Hạt Quản lý đê thiết lập hồ sơ vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều trong tháng 5/2025 là 12 vụ, số vụ vi phạm được chính quyền địa phương thiết lập hồ sơ vi phạm là 12 vụ. Như vậy, số vụ vi phạm phát sinh trong 5 tháng của năm 2025 là 43 vụ. Tuy nhiên, chỉ có 4 vụ vi phạm được xử lý.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Trần Công Tuyên cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn, đặc biệt trên khu vực sông Hồng, sông Đuống. Khu vực lòng sông, bãi sông là không gian thoát lũ, chính vì vậy, giữ cho lòng sông, bãi sông không bị vi phạm sẽ giúp bảo đảm an toàn hệ thống đê, không làm gia tăng sạt lở, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân.
Quay lại câu chuyện bão Yagi năm 2024, hoàn lưu bão đã gây một đợt mưa lớn khiến nhiều hệ thống sông ghi nhận mức lũ vượt mức lịch sử. Tuy nhiên, theo đo đạc của ngành khí tượng-thủy văn, lượng mưa cùng với lượng nước lũ đều không vượt mức lũ thiết kế mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như mức lũ lịch sử năm 1971, nhưng lại đạt mức nước dâng cao kỷ lục, vượt cả cao trình thiết kế đê. Điều đã cho thấy lòng sông, bãi sông bị lấn chiếm nghiêm trọng, thu hẹp nhiều so trước đây. Hệ thống đê điều Hà Nội có tổng chiều dài hơn 770km.
Khu vực bãi sông rộng tới 36.000ha, có hơn 600.000 nhân khẩu sinh sống. Đây là thách thức lớn trong việc kiểm soát vi phạm, tổ chức cưỡng chế và ứng cứu khẩn cấp nếu đê xảy ra sự cố. Vì vậy, xử lý vi phạm về đê điều cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền, nhằm xử lý triệt để ngay từ đầu đối với vi phạm đê điều. Ông Tuyên nhấn mạnh.
Mùa mưa, bão, lũ năm 2025 đã đến, tuy nhiên, trên các tuyến sông Hồng, sông Đáy thuộc địa bàn một số phường của thành phố Hà Nội tình trạng xây dựng trái phép công trình nhà kho, nhà xưởng với quy mô lớn trên đất nông nghiệp đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao; tình trạng đổ phế thải xây dựng, san lấp mặt bằng, tôn cao bãi sông; tập kết nguyên vật liệu, chiếm dụng đất bãi sông đang diễn biến hết sức phức tạp, làm cản trở dòng chảy, thoát lũ, mất an toàn công trình đê điều, vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, đê điều và phòng, chống thiên tai.
Hiện dọc các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố có tổng số 194 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; trong đó có 46 bến bãi được Ủy ban nhân dân Thành phố cho thuê đất, giao đất để thực hiện hoạt động tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng và hoạt động cảng, sản xuất vật liệu xây dựng; 108/194 bãi đang hoạt động và 86/194 bãi đang dừng hoạt động.
Ngoài ra, tình trạng khai thác đất, , tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở bãi sông, xe cơ giới có tải trọng vượt quá mức cho phép đi trên đê diễn ra thường xuyên đã làm mặt đê bị xuống cấp, gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đê, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định công trình đê điều, sạt lở bờ bãi sông, giảm khả năng chống lũ của tuyến đê; gây bức xúc dư luận.
Để thực hiện nghiêm pháp luật về đê điều, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các vụ việc vi phạm mới phát sinh và tồn đọng lâu dài, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, lập biên bản, kịp thời kiến nghị ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát lòng sông trái phép, hoạt động tập kết vật liệu xây dựng không phép ở khu vực bãi sông.
Chi cục cũng đã tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân có các hoạt động khai thác cát, tập kết vật liệu xây dựng tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ; thành lập các tổ công tác liên ngành phối hợp tuần tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm; phối hợp tổ chức cắm biển báo giao thông, triển khai xây dựng mố hạn chế tải trọng xe ô-tô trên một số tuyến đê thuộc địa bàn thành phố…
Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc của UBND thành phố và các ngành liên quan, nhưng việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều chưa được các cấp chính quyền cơ sở xử lý dứt điểm. Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp , các sở, ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi đôn đốc các địa phương tập trung xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền được giao. Trong đó, các cấp chính quyền cơ sở phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong xử lý vi phạm, tăng cường tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về đê điều đến người dân...
TIẾN ĐẠT