Xử lý trước tài sản của người trốn truy nã để bồi thường cho bị hại được không?

Xử lý trước tài sản của người trốn truy nã để bồi thường cho bị hại được không?
5 giờ trướcBài gốc
Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xét xử phúc thẩm đối với hai bị cáo môi giới là bị cáo Ngô Kim Thuận (cựu Giám đốc Công ty Thương Tín Real) và Lê Văn Giang (cựu Phó Giám đốc Công ty Thương Tín Real) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
HĐXX buộc hai bị cáo bồi thường số tiền này cho các bị hại và dành quyền khởi kiện bà Huy để đòi lại tiền. Trong khi đó, Trương Thị Kim Huy - người sở hữu thửa đất và nhận hơn 23 tỉ đồng từ tiền bán dự án của hai bị cáo hiện đang bị truy nã.
Đây không phải là tình huống mới và trong nhiều vụ án, những bị cáo đã bị tuyên án không có khả năng bồi thường cho bị hại, trong khi tài sản của người đang trốn truy nã thì đang được kê biên.
Điều này khiến nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi: Liệu có thể xử lý tài sản đang bị kê biên của người đang trốn truy nã để bồi thường trước cho các bị hại hay không?
Lừa bán dự án "ma" rồi ôm tiền bỏ trốn
Theo nội dung vụ án, Trương Thị Kim Huy đứng tên thửa đất trồng lúa có diện tích 4.792 m2 tại phường Long Trường, TP Thủ Đức, TP.HCM. Dù chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đầu tư dự án, Huy cùng chồng đã ký Hợp đồng ký quỹ và phân phối sản phẩm với Lê Văn Giang và Ngô Kim Thuận.
Thuận và Giang đã bán được 29 nền đất và chuyển cho bà Huy hơn 23,9 tỉ đồng, hưởng tiền môi giới gần 6 tỉ đồng.
Hai bị cáo Ngô Kim Thuận và Lê Văn Giang được dẫn giải về trại tạm giam sau phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: SONG MAI
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã đối với Trương Thị Kim Huy, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Thửa đất của bà này cũng được kê biên cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Tại phiên phúc thẩm, các bị hại yêu cầu xem xét lại vai trò của bà Huy và phát mãi thửa đất của bà này. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, số tiền chiếm đoạt đều được các bị cáo chuyển cho bà Huy nên bà Huy phải có nghĩa vụ hoàn trả, phát mãi thửa đất đứng tên bà Huy vì đây là công cụ, phương tiện phạm tội. Đồng thời LS yêu cầu HĐXX xét xử vắng mặt bà Huy.
Theo HĐXX phúc thẩm, hai bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để ký hợp đồng đặt cọc bán thửa đất khi chưa đủ điều kiện. Các hợp đồng này bị vô hiệu xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo nên buộc hai bị cáo trả lại số tiền chiếm đoạt của các bị hại là có căn cứ.
Đối với bà Huy và một số đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội, do chưa làm rõ hành vi của Huy nên CQĐT đã ban hành lệnh kê biên đối với các thửa đất của Huy cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với yêu cầu của bị hại về việc khởi kiện bà Huy yêu cầu bồi thường là không có căn cứ. Vì thửa đất của Huy liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo nhưng tài sản này là của bà Huy và chồng. Những đối tượng này chưa bị xử lý với vai trò đồng phạm để có thể phát mãi tài sản.
Cạnh đó, các bị cáo kí hợp đồng với Huy và đã chuyển tiền cho Huy. Do chưa xác định được hành vi phạm tội của Huy nên cấp sơ thẩm đã dành quyền khởi kiện các bị cáo đối với Huy là phù hợp.
HĐXX phúc thẩm cho rằng, Trương Thị Kim Huy có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng tại thời điểm hiện nay chưa bắt được Huy nên việc xử lý hành vi của Huy sẽ thực hiện theo các quy định của THHS và sẽ được xem xét trong một vụ án hình sự. Bản án sơ thẩm không buộc bà Huy bồi thường vì vậy cấp phúc thẩm không thể xem xét tài sản của bà Huy để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Hiện bà Huy đã bỏ trốn, CQĐT đã truy nã những đến nay chưa có kết quả, việc xử lý hình sự Huy sẽ được CQĐT thực hiện không phải thẩm quyền của HĐXX.
Pháp luật quy định thế nào?
Theo TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM), công cụ, phương tiện phạm tội được hiểu là đối tượng vật chất cụ thể mà người phạm tội sử dụng để tác động vào đối tượng tác động của tội phạm, từ đó xâm hại đến khách thể của tội phạm. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đối tượng tác động chỉ là tài sản nên không thể coi mảnh đất của bà Huy là công cụ, phương tiện được người phạm tội sử dụng để tác động vào đối tượng tác động là tài sản.
Theo quy định tại Điều 48 BLHS năm 2015, người phạm tội có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Đối với tài sản của bà Huy đã bị kê biên trước đó, nếu HĐXX xác định được bà Huy là người phạm tội, có vai trò cầm đầu trong vụ lừa đảo và cần phải bồi thường thiệt hại cho bị hại thì có thể áp dụng biện pháp tư pháp này. Khi đó, những tài sản của bà Huy bị kê biên có thể được xử lý để bồi thường thiệt hại cho các bị hại trong vụ án.
Trong trường hợp bà Huy bị truy nã và chưa thể xác định được bà này có vai trò cầm đầu đầu trong vụ lừa đảo thì phải đợi đến khi bắt được và xét xử bà Huy. Khi đó, nếu có đủ căn cứ thì tài sản đang bị kê biên của bà này mới được xử lý, bồi thường cho các bị hại.
Còn theo Ths Nguyễn Đức Hiếu, căn cứ Điều 30 Bộ luật TTHS thì việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự để đảm bảo nguyên tắc xét xử toàn diện vụ án hình sự. Nghĩa là khi bắt được bà Huy và đưa ra xét xử bằng một vụ án hình sự khác thì thửa đất đang bị kê biên sẽ xử lý theo quy định.
Ths Hiếu cho biết thêm, đối với các quy định hiện nay, một khi bị can bỏ trốn và tài sản đã kê biên trong vụ án hình sự thì rất khó có thể xử lý tài sản đó. Vấn đề đặt ra là nếu bị can bỏ trốn trong nhiều năm, thậm chí mất tích mà CQĐT không thể xác định được để phục hồi điều tra hoặc đình chỉ điều tra thì không thể xử lý đối với những tài sản kê biên, điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác xử lý hậu quả của vụ án, đặc biệt là đối với người bị hại.
Do đó, nên ban hành những quy định mới, cơ chế mới theo hướng cởi mở hơn và tạo hành lang pháp lý để xử lý đối với những tài sản bị kê biên của bị can đang bỏ trốn nhằm khắc phục những khó khăn mà nó gây ra đối với vụ án và người bị hại.
SONG MAI
Nguồn PLO : https://plo.vn/xu-ly-truoc-tai-san-cua-nguoi-tron-truy-na-de-boi-thuong-cho-bi-hai-duoc-khong-post815527.html