Xử lý vi phạm giao thông lứa tuổi học sinh: Cần sự vào cuộc của cả xã hội

Xử lý vi phạm giao thông lứa tuổi học sinh: Cần sự vào cuộc của cả xã hội
2 giờ trướcBài gốc
Vấn nạn của toàn xã hội
Đầu tháng 10/2024, lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng liên quan trên cả nước đã đồng loạt ra quân xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh tại các trường học trên địa bàn quản lý. Tính đến nay, cũng đã có hàng ngàn trường hợp vi phạm bị xử lý, hàng nghìn thông báo được gửi cho nhà trường và phụ huynh…
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để kết hợp với nhà trường nhằm giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông tới các em học sinh nhưng tình trạng này dường như không có nhiều chuyển biến.
Theo nhận định của cơ quan công an, vi phạm của các học sinh tập trung vào các hành vi như: Điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều; bấm còi, rú ga; điều khiển xe chạy một bánh trên xe hai bánh; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; lạng lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép. Điều đáng nói là những hành vi này cứ tiếp diễn hết lần này tới lần khác, gây bức xúc trong toàn xã hội.
Không chỉ khiến cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông gặp khó khăn, vi phạm của nhiều em học sinh còn để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 16-18 tuổi) làm chết 90 người, bị thương 827 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Những con số đáng báo động này khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Bởi đối với các em học sinh đang tuổi ăn, tuổi học, việc vi phạm an toàn giao thông hay thậm chí gây tai nạn làm chết người là điều không ai mong muốn. Nhưng nay, việc vi phạm an toàn giao thông ở lứa tuổi học sinh thực sự đã trở thành vấn nạn.
Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh
Lỗi không chỉ ở con trẻ
Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ câu chuyện nào khác, tình trạng vi phạm giao thông ở lứa tuổi học sinh ngày một phức tạp cũng có nhiều nguyên nhân. Việc thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về quy định pháp luật cùng những sự bồng bột, tò mò, thích thể hiện bản thân đã khiến các em học sinh điều khiển phương tiện giao thông mà không quan tâm đến an toàn tính mạng và các quy định về trật tự an toàn giao thông.
Nhưng đó chỉ là một phần nguồn cơn của sự việc. Những hành vi vi phạm của lứa tuổi học sinh không thể không có phần trách nhiệm của những người lớn tuổi.
Hàng ngày, cứ mỗi khi tham gia giao thông trên đường, không khó để chúng ta bắt gặp những người lớn tuổi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng hay thực hiện nhiều hành vi vi phạm giao thông khác. Những hành vi này diễn ra không kể ngày đêm, thậm chí phơi bày ngay trước mắt các em học sinh.
Và khi nhìn thấy những hình ảnh vi phạm của người lớn, không học sinh cứ vậy mà học theo, không nghĩ đó là điều sai trái. Thậm chí, kể cả khi những học sinh này nhận thức được những việc làm đó là vi phạm, trong đầu những các em cũng không khỏi thắc mắc về việc vì sao những người lớn tuổi luôn vi phạm còn các em lại không thể làm? Nói như vậy để thấy rằng, nếu muốn triệt để xử lý những vi phạm của học sinh, trước tiên cần triệt để xử lý những vi phạm của người lớn tuổi. Người lớn cũng cần phải nghiêm túc nhìn vào những khuyết điểm của mình để sửa chữa, làm gương cho con em mình học theo.
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở chỗ các học sinh đang học theo những vi phạm của người lớn, bởi ở nhiều gia đình tại Việt Nam, vẫn còn nhiều phụ huynh sẵn sàng giao xe cho con đi học mà bất chấp các quy định về độ tuổi được phép cầm lái.
Dường như sự thờ ơ, thiếu nghiêm khắc này đã góp phần tạo điều kiện cho sự bồng bột, thích thể hiện bản thân trong các em ở lứa tuổi học sinh lên cao. Có những trường hợp cơ quan chức năng và nhà trường dù đã răn đe, giáo dục nhưng vẫn tái diễn các vi phạm.
Khi các em học sinh ở nhà, trách nhiệm quản lý thuộc về cha mẹ. Còn khi tham gia môi trường học đường, trách nhiệm ấy phải thuộc về các thầy cô, những người trực tiếp giám sát các em trong quá trình học tập, rèn luyện.
Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, các nhà trường đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức chương trình học tập, tham quan thực tế hay nhiều hình thức tuyên truyền khác để giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vào thực tế một số bài giảng, chương trình nặng về mặt lý thuyết có thể khiến các em học sinh khó tiếp nhận. Khi học sinh không hào hứng với những kiến thức được nhà trường truyền tải, thật khó để làm thay đổi nhận thức của các em về lâu về dài.
Có thể thấy, mặc dù tình trạng vi phạm giao thông ở lứa tuổi học sinh đã trở nên nhức nhối trong thời gian dài, tuy nhiên, việc làm sao để giải quyết tình trạng này vẫn là một bài toán khó. Đã đến lúc, toàn xã hội cần có trách nhiệm quan tâm, tìm giải pháp cho vấn đề này.
Bởi nếu như không có sự chung tay của toàn xã hội, tình trạng này vẫn sẽ cứ tiếp diễn và hậu quả có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu như không có giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc tình trạng vi phạm giao thông ở các em học sinh thì dù có bao nhiêu “đợt ra quân”, “cao điểm” hay các “chiến dịch” cũng không thể khiến những hành vi vi phạm bị loại bỏ triệt để.
Ngay lúc này, các phụ huynh cần quan tâm hơn nữa tới việc các em học sinh tham gia giao thông, không để sự thờ ơ, vô tâm và chủ quan của mình khiến tương lai của các em học sinh đi theo hướng tiêu cực. Thêm vào đó, cần chấm dứt tình trạng các em học sinh điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe. Người lớn cũng cần nêu cao trách nhiệm, làm gương cho con em mình trong việc tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia giao thông.
Về phía nhà trường, các chương trình, kế hoạch học tập cần được thiết kế, tổ chức một cách khoa học, dễ hiểu, gần gũi để giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Hy vọng rằng, trong tương lai, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm giao thông ở lứa tuổi học sinh sẽ được kiểm soát triệt để, tạo lập cho học sinh một môi trường sống, học tập và rèn luyện thật an toàn và lành mạnh.
Phong Lâm
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/xu-ly-vi-pham-giao-thong-lua-tuoi-hoc-sinh-can-su-vao-cuoc-cua-ca-xa-hoi-354732.html