Xử lý vi phạm hành chính: Dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa

Xử lý vi phạm hành chính: Dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa
5 giờ trướcBài gốc
Đẩy mạnh việc phân quyền cho cấp cơ sở
Sáng 28/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 64/143 điều (trong đó, sửa đổi, bổ sung 26/143 điều, sửa kỹ thuật 22/143 điều (ngoài các điều sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ 16 điều của Luật XLVPHC) và bổ sung mới 1 điều.
Để bảo đảm phù hợp với tổ chức bộ máy đã và đang được sắp xếp, tổ chức lại, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến phương thức quản lý điều hành đồng thời với việc cải tổ tổ chức bộ máy, nâng cao tính ổn định, khả năng dự báo của Luật, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi một số quy định.
Cụ thể, xuất phát từ thực tiễn thực hiện việc xử lý chuyển tiếp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh khi sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian qua và giai đoạn sắp tới, đòi hỏi phải chủ động, linh hoạt hơn, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến sửa đổi khoản 2 Điều 53 Luật XLVPHC về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách.
Theo đó, cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước thay vì phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Điều 87 Luật XLVPHC (tại khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật) về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng những thay đổi trong tổ chức bộ máy.
Sửa đổi các quy định về thẩm quyền lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại phần thứ ba của Luật XLVPHC (tại khoản 18 đến khoản 24 Điều 1 dự thảo Luật).
Luật XLVPHC hiện hành quy định thẩm quyền quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, còn cơ quan Công an cấp xã là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đề nghị để Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống Công an nhân dân được tổ chức theo mô hình 3 cấp, không còn cấp huyện; chính quyền địa phương cũng tổ chức theo mô hình 2 cấp, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, đồng thời, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy đã được chuyển giao từ cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội sang cơ quan Công an.
Vì vậy, để bảo đảm phù hợp chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và sự chuyển giao nhiệm vụ quản lý giữa các bộ, ngành như đã nêu trên, tại các khoản 18, 19, 20, 21, 22, 23 và 24 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định của các điều 99, 100, 101, 102, 103, 104 và 110 Luật XLVPHC theo hướng trao thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cho các chức danh cấp cơ sở như Trưởng Công an cấp xã thay cho một số chức danh cấp huyện như Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.
Nhằm đẩy mạnh việc phân quyền cho cấp cơ sở, dự thảo Luật quy định thống nhất một chủ thể có thẩm quyền lập hồ sơ, quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là Công an cấp xã.
Theo đó, tại các khoản 18, 20 và 22 dự thảo Luật quy định trong trường hợp người vi phạm do cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thì cơ quan, đơn vị đang thụ lý vụ việc hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho Công an cấp xã có thẩm quyền để lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định
Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 Luật XLVPHC (tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật) về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hầu hết các lĩnh vực là 1 năm (một số lĩnh vực là 2 năm), tính từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, đồng thời, thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng
Tuy nhiên, hiện nay, đối với một số vụ việc phức tạp, khi cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hồ sơ đến để xử phạt vi phạm hành chính thì thời gian đã vượt quá thời hạn nêu trên, dẫn đến không thể xử lý hành vi vi phạm.
Do vậy, theo ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cần thiết phải sửa đổi quy định về thời hiệu trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến, theo hướng quy định thời hiệu cụ thể là 6 tháng kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm, đồng thời, giới hạn tối đa không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Riêng vi phạm hành chính về thuế, kiểm toán độc lập, việc xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật trong hai lĩnh vực này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, trước thực trạng tình hình vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra còn phổ biến, các đối tượng vi phạm lợi dụng “kẽ hở” trong quy định về chu kỳ kiểm định và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính để cố tình trốn tránh trách nhiệm, dự thảo Luật quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này là 3 năm nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo đảm thống nhất với lĩnh vực quản lý nhà nước khác.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành trong một số lĩnh vực (phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng).
Việc này nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực “nóng”, xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm khả năng thi hành trong thực tiễn, không tạo ra áp lực quá lớn đối với người vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC với các lý do như nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời, tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Đối với đề nghị bổ sung một số lĩnh vực mới, đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực. Về việc tăng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong Luật hiện hành, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phù hợp khi sửa toàn diện Luật.
Dự thảo Luật sửa đổi Điều 56 Luật XLVPHC (tại khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật) về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức) để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người hiện nay so với trước đây.
Quỳnh Nga
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-du-kien-tang-muc-phat-tien-toi-da-385205.html