Văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thế nhưng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi vùng đất dưới chân núi Tản giờ đây đã được cải thiện đáng kể nhờ “làn gió nông thôn mới”.
Ngày mới ở những bản làng
Con đường khang trang, rộng đẹp chạy quanh co, uốn lượn ven dòng sông Đà êm đềm dẫn chúng tôi về với xã Minh Quang. Hai bên tuyến đường được kiên cố hóa khang trang, sạch đẹp, cờ hoa rực rỡ dưới nắng Xuân. Còn nhớ nhiều năm về trước, để đến với địa phương nằm dưới chân núi Tản, chúng tôi phải mất gần 2 giờ chạy xe máy. Con đường xưa vẫn vậy, nhưng nay về đến trung tâm xã Minh Quang chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ.
Ông Phạm Văn Bình (thôn Lặt) chia sẻ, trước đây đường về thôn bản vẫn chủ yếu là đường đất; hễ trời mưa là lầy lội bùn đất. Một số đoạn ngầm tràn thậm chí còn ngập nước. Việc đi lại khó khăn nên ít người lui tới xã Minh Quang. Nhưng đó chỉ còn là câu chuyện của ngày hôm qua. Từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, hệ thống giao thông tại xã Minh Quang được Nhà nước đầu tư nâng cấp ngày một đồng bộ.
“Không chỉ giúp bà con thoát cảnh nắng bụi, mưa lầy, những tuyến đường nông thôn mới còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân di chuyển đến các xã lân cận giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế…” - Trưởng thôn Đầm Sản Nguyễn Mạnh Tuân phấn khởi.
Bên cạnh điểm nhấn về hạ tầng giao thông với 100% các tuyến đường đã được cứng hóa, về xã Minh Quang hôm nay, nhiều người con xa xứ có lẽ không khỏi ngạc nhiên bởi những đổi thay toàn diện trên mảnh đất quê hương. Vùng đất dưới chân núi Tản hôm nay như bừng sáng.
Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn tại 15 thôn thuộc xã Minh Quang đã có hệ thống đèn chiếu sáng; được tô điểm với tường tranh bích họa, hoa và cây xanh. Cơ sở vật chất giáo dục, thiết chế văn hóa, y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.
Xã không còn hộ nghèo
Nằm cách xa trung tâm Thủ đô và huyện Ba Vì, xã Minh Quang có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Nhiều năm về trước, người dân nơi đây với hơn 40% là đồng bào dân tộc Mường, chỉ biết trông vào canh tác nông nghiệp truyền thống. Thu nhập hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo cao, có thời điểm cứ 10 gia đình lại có 1 hộ nghèo.
Xã có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên. Các hoạt động văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa Mường thường xuyên được tổ chức giúp gắn kết cộng đồng. Sự hòa quyện giữ văn hóa Mường và phát triển kinh tế giúp xã Minh Quang có được bản sắc riêng trong xây dựng nông thôn mới.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang Phạm Văn Minh
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Mạnh Thước cho biết, những năm gần đây, trên cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng nâng cấp đồng bộ và chính sách hỗ trợ của TP Hà Nội, đồng bào các dân tộc mạnh dạn tham gia phát triển mô hình kinh tế mới.
Hiện nay, ở các thôn trên địa bàn xã Minh Quang đều có mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như tại thôn Minh Hồng, người dân hiện đang phát triển mạnh làng nghề làm miến dong. Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hồng đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước tin tưởng, lựa chọn.
Tại thôn Xuân Thọ, chị Nguyễn Thị Hoa cũng đang phát triển khá tốt mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP. “Trước đây cứ trồng khoai, sắn, thu nhập chỉ đủ ăn. Hai năm gần đây, xã vận động chuyển đổi sang trồng rau, hỗ trợ cả vốn và kỹ thuật, hiệu quả khá tốt nên cũng có đồng ra, đồng vào…” - chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.
Việc đa dạng hóa các mô hình kinh tế nông thôn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Minh Quang; đến nay con số này đã đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm. Toàn xã không còn hộ nghèo.
Thành quả từ sức dân
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha, địa phương luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, sau khi được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, địa phương đã ban hành nghị quyết, huy động mọi nguồn lực tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong giai đoạn 2021 - 2024, xã Minh Quang đã huy động được hơn 655 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực được bố trí để tập trung nâng cấp hạ tầng nông thôn, nhất là các điều kiện phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, giữ gìn cảnh quan môi trường...
Trưởng thôn Lặt (xã Minh Quang) Đinh Trọng Hà chia sẻ, cán bộ thôn bản thường xuyên tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa mà xây dựng nông thôn mới mang lại. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc đều hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia chung sức.
Điều đáng mừng là trong xây dựng nông thôn mới, tình làng, nghĩa xóm được vun đắp thêm. Với những hộ dân không phải hiến đất làm đường, bà con cùng nhau đóng góp ngày công lao động, xây lại những đoạn tường bao cho các gia đình đã thực hiện tháo dỡ khi hiến đất, góp phần chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo thống kê của UBND xã Minh Quang, từ năm 2021 đến nay, người dân các thôn trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến gần 35.600m² đất để mở rộng đường giao thông và xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi; đóng góp hơn 5.280 ngày công lao động để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng mới và chăm sóc đường hoa, cây xanh, vệ sinh môi trường. Người dân cũng đóng góp gần 3 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng cổng chào các thôn: Liên Bu, Sổ, Cốc Đồng Tâm.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đánh giá, trong số 13 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, xã Minh Quang là một điểm sáng, là điển hình trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.
“Trở thành địa phương đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô về đích nông thôn mới nâng cao là bước tiến đáng tự hào, niềm vinh dự lớn của đồng bào các dân tộc ở xã Minh Quang. Qua đó, tiếp tục khẳng định Nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới” - ông Ngọ Văn Ngôn nhấn mạnh.
Những con đường trải nhựa, những ngôi nhà khang trang, những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của đồng bào các dân tộc ở xã Minh Quang trong ngày trở về là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới tại vùng đất dưới chân núi Tản. Kết quả đạt được của xã Minh Quang có thể xem là niềm tự hào chung của huyện Ba Vì và TP Hà Nội trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Sống đến nay đã gần 70 tuổi, tôi không nghĩ xã Minh Quang lại có ngày “thay da đổi thịt” được như hôm nay. Người dân nhìn vào thành quả của xã cũng cảm thấy rất tự hào…
Ông Đinh Văn Cương (thôn Víp, xã Minh Quang)
Lâm Nguyễn