Mối đe dọa ngấm ngầm
TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) cho biết, trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan Công an thu giữ có 4 loại giả thuốc tân dược; còn lại là 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh. 21 loại sản phẩm này được sản xuất tại Hà Nội, TPHCM, An Giang. Cục Quản lí Dược phối hợp cơ quan chức năng làm rõ thị trường chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm này.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xem xét các loại thuốc tân dược giả Ảnh: Lực lượng chức năng
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - đã thẳng thắn cảnh báo: nguy cơ thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng lọt vào hệ thống bệnh viện là hoàn toàn có thật nếu không siết chặt khâu kiểm soát. “Sự an toàn của người bệnh không cho phép chúng ta lơ là”, ông nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), thuốc giả đang trở thành hiểm họa lớn đối với hệ thống y tế toàn cầu. Không chỉ gây gián đoạn điều trị, các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn còn có thể khiến bệnh nhân mất cơ hội sống, dẫn đến biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Điều đáng lo ngại là nhiều loại thuốc giả được trà trộn vào chuỗi cung ứng hợp pháp, thậm chí đã len lỏi vào một số nhà thuốc và cơ sở y tế. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong quản lí và kiểm soát chất lượng thuốc trên thị trường hiện nay.
Ở góc độ quản lí chuyên môn, TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định những vấn đề nhức nhối như thuốc giả, sữa giả vẫn tồn tại và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị, an toàn của người bệnh. Theo ông, việc những sản phẩm này có thể “lọt cửa” vào bệnh viện hay không, phụ thuộc phần lớn vào năng lực quản trị nội bộ. “Giám đốc bệnh viện là người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc kiểm soát kê đơn, bán thuốc, sử dụng vật tư, dịch vụ y tế trong bệnh viện”, ông Đức nhấn mạnh.
Cục Quản lí Dược yêu cầu các Trung tâm kiểm nghiệm thuốc tại địa phương cũng cần tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng các loại thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng.
Làm rõ trách nhiệm
Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định riêng để quản lí hoạt động kinh doanh thuốc qua mạng internet. Đồng thời, cơ quan này cũng đang tiến hành rà soát, xây dựng cơ chế, phân công rõ trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan trong quản lí sản xuất, lưu hành và quảng cáo thuốc, đặc biệt là thuốc bán trực tuyến.
Theo TS. Tạ Mạnh Hùng, việc kinh doanh thuốc online nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thuốc giả, thuốc kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Do đó, cùng với hành lang pháp lí, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen tự mua thuốc, tự điều trị của người dân; khuyến khích khám bệnh tại các cơ sở y tế có giấy phép và mua thuốc theo đơn tại nhà thuốc đạt chuẩn.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, Bộ Y tế tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, đồng thời phát huy vai trò của các đơn vị đầu mối trong công tác phòng chống hàng giả. Một trong những giải pháp quan trọng được đẩy mạnh là việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu ngành dược, công khai thông tin đầy đủ về thuốc đã được cấp phép lưu hành, cơ sở sản xuất, phân phối, bán lẻ và nhãn thuốc để người dân dễ dàng tra cứu, đối chiếu. Bên cạnh việc xử phạt cơ sở kinh doanh dược vi phạm, Bộ Y tế đã chuyển các thông tin về thuốc giả phát hiện để các đơn vị thuộc Bộ Công an tiến hành các hoạt động truy tìm nguồn gốc.
Trên cơ sở thực tiễn, Bộ Y tế đang tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Dự kiến, các hành vi như buôn bán thuốc giả, thuốc không có nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ hoặc bán thuốc qua mạng khi chưa được cấp phép sẽ bị xử phạt nghiêm khắc hơn.
Rà soát toàn diện quy trình cung ứng thuốc trong bệnh viện
Trước nguy cơ thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tiếp cận vào hệ thống y tế, Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các Sở Y tế trên cả nước khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tiến hành rà soát toàn bộ quy trình mua sắm, cung ứng thuốc trong thời gian qua. Mục tiêu nhằm đảm bảo tất cả thuốc đang sử dụng đều có giấy phép lưu hành hợp lệ, được cung ứng bởi các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp và đầy đủ chứng từ hóa đơn.
Trường hợp phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ là hàng giả, chưa được cấp phép lưu hành, cơ sở y tế phải lập tức niêm phong, ngừng sử dụng và báo cáo ngay cho cơ quan quản lí y tế, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lí theo đúng quy định pháp luật. “Chúng tôi cũng khuyến khích người dân chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Sự vào cuộc của cộng đồng sẽ là yếu tố then chốt để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận”, ông Hùng nói.
Các địa phương cần chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra, giám sát tại các nhà thuốc, cơ sở bán buôn, bán lẻ và các đơn vị sử dụng thuốc trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc các loại thuốc đang lưu hành. Theo ông Tạ Mạnh Hùng, các Sở Y tế cần thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về thuốc giả, thuốc lậu và thuốc không rõ nguồn gốc. Những thông tin này sẽ được báo cáo tới Ban Chỉ đạo 389 địa phương, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh và truy vết nguồn gốc sản phẩm vi phạm. Các trường hợp phát hiện sai phạm sẽ bị xử lí nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Hà Minh