Canh đèn đỏ để dừng xe đúng vạch
Đèn tín hiệu giao thông trên đường song hành, trước chùa Ưu Đàm (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) chuyển sang màu đỏ. Trước đây, không ít người điều khiển phương tiện giao thông cố nhấn ga chạy thêm một đoạn để hướng ra đường Phạm Văn Đồng, thì nay nhiều người dừng xe ngay ngắn trước vạch kẻ.
Con đường hẹp, giờ cao điểm buổi sáng, chỉ một thời gian ngắn dòng xe kéo dài hàng chục mét. Người bán hàng bên đường cho biết, đèn tín hiệu giao thông ở đây phát huy tác dụng từ khi áp dụng mức xử phạt mới.
Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, người tham gia giao thông phải căng mắt canh đèn đỏ để dừng xe. Nhiều người đi đường vốn quen chạy thẳng khi đến ngã ba, rẽ phải khi đến ngã tư giờ khựng lại mỗi khi gặp đèn đỏ.
Anh Phong Điền, sau thoáng chần chừ đã dừng xe tại vòng xuyến đường Phạm Văn Đồng và Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), cho biết, lúc trước người đi xe được phép đi thẳng khi đèn đỏ, nay cứ gặp đèn đỏ là dừng lại cho an toàn. Nhiều người đi đường nối tiếp dừng lại. Một số người đến sau đã bấm còi, cố vượt lên phía trước chạy thẳng về phía cầu Gò Dưa.
Một số người đi xe máy vẫn đậu lấn vạch dành cho người đi bộ. Ảnh: Hoàng Hùng
Chị Nguyễn Thị Phúc, ngụ đường Chu Văn An (phường 26, quận Bình Thạnh) cho biết, công ty chị làm việc ở phường Nguyễn Thái Bình (quận 1). Trước đây, mỗi sáng chị mất 35 phút để đến chỗ làm nhưng nay mất gần 1 tiếng vì không được rẽ phải khi đèn đỏ. Để đến chỗ làm, chị Phúc phải vượt qua nhiều ngã tư Chu Văn An - Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng - Lê Duẩn…
Trong đó, giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai là “nóng” nhất. Vào giờ cao điểm, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều xe lưu thông nên cứ gặp đèn đỏ là dòng xe xếp hàng nối nhau cả trăm mét. Nhiều lúc, người đứng chờ đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh 2-3 lần mới sang được đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chị cũng đã đi thử đường Điện Biên Phủ hay rẽ sang đường Nguyễn Đình Chiểu để tránh, nhưng cũng không nhanh hơn.
Ông NGUYỄN BÁ DUY PHƯƠNG - Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân quận 3, TPHCM:
Những ngày qua, tình hình giao thông ở TPHCM và các tỉnh, thành đã có chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, có một thực tế là tình trạng ùn ứ giao thông đã diễn ra trong một số khung giờ cao điểm.
Cũng cần nói thêm, thực trạng này không mới và trước kia vẫn vậy. Nhưng, lúc trước khi ùn tắc thì các phương tiện tìm mọi cách để “bứt ra”, giải thoát. Người thì lao xe vào hẻm, phóng xe lên lề đường, nhiều người vô tư rẽ phải… khiến tình hình giao thông hỗn loạn. Các hành vi này không bị xử lý.
Theo tôi, một trong những giải pháp khá hiệu quả để tháo gỡ ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm là ở một số tuyến đường, cơ quan chức năng cần cho phép các phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ. Tuy nhiên, muốn vậy thì phải rạch ròi!
Các cơ quan nghiệp vụ giao thông cần nhanh chóng xác minh, nghiên cứu, đề xuất và cắm biển. Có thể là thực hiện trong khung giờ nào hoặc cả ngày. Các cơ quan truyền thông cần có kế hoạch tuyên truyền về việc này. Rẽ phải, nhưng lưu thông thế nào để đảm bảo không cản đường các phương tiện đang được ưu tiên theo đèn tín hiệu.
Luật sư TRẦN ĐÌNH DŨNG - Trưởng văn phòng Luật sư Đông Pháp (Đoàn Luật sư TPHCM):
Đặc thù giao thông đô thị hiện nay có nhiều loại phương tiện cùng lưu thông, trong đó xe máy chiếm tỷ lệ khá lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông của xe máy, một số địa phương cho phép xe máy được rẽ phải khi đèn đỏ.
Ngành giao thông đã tổ chức đặt biển báo, cải tạo hạ tầng tại giao lộ để người đi xe máy thuận tiện trong việc đi lại. Thực tế tại TPHCM cho thấy, từ khi áp dụng mức xử phạt mới, nhiều “điểm nóng” về ùn tắc giao thông đã được xử lý, tình trạng kẹt xe ở giao lộ giảm nhiều.
Việc cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ không phổ biến, không có quy định mà tùy thuộc vào sự linh hoạt của từng địa phương. Vì vậy, để phát huy, khai thác tối đa năng lực hạ tầng giao thông và thuận tiện cho người tham gia giao thông, hạn chế ùn tắc tại các giao lộ, Nhà nước cần luật hóa, ban hành quy định cho phép người tham gia giao thông được rẽ phải khi đèn đỏ.
Một khi có quy định cụ thể, ngành giao thông có đủ điều kiện, cơ sở pháp lý để đầu tư hạ tầng giao thông, đặt biển báo, đèn tín hiệu, còn người tham gia giao thông không còn lo lắng, hồi hộp khi rẽ phải như hiện nay.
Góp phần tăng ý thức giao thông
Mức phạt nặng và lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý nghiêm đối tượng vi phạm đã mang lại hiệu quả tích cực đối với giao thông thành phố. Điều dễ thấy, tại các giao lộ vốn là điểm nóng về giao thông như Nguyễn Xí - Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh); Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định, Nguyễn Oanh - Quang Trung (quận Gò Vấp); Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng (quận 1)… nay đã thông thoáng hơn.
Người điều khiển phương tiện, đi bộ khi đến giao lộ đã nghiêm túc dừng đúng lúc, đúng vạch, khi đèn chuyển sang màu xanh mới di chuyển. Nhờ sự tuân thủ nghiêm chỉnh tín hiệu đèn giao thông nên tình trạng ùn ứ, rối loạn trong giờ cao điểm đã giảm bớt.
Người tham gia giao thông dừng xe đúng vạch kẻ khi đèn đỏ tại giao lộ Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo, quận 1, trưa 8-1. Ảnh: Hoàng Hùng
Chuyển biến rõ nét nhất là không còn thấy cảnh người tham gia giao thông phóng xe máy lên vỉa hè trong giờ cao điểm. Có mặt tại các tuyến thường xuyên tắc đường, kẹt xe trong giờ cao điểm như đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1)… chúng tôi chứng kiến dòng phương tiện ken dày trên đường, nhưng rất ít xe máy chạy lên vỉa hè.
Anh Phan Văn Ngọc, nhà trên đường Võ Thị Sáu, đối diện công viên Lê Văn Tám, cho biết, trước đây cứ vào giờ cao điểm, vỉa hè được sử dụng như phần đường mở rộng. Người đi đường bất chấp nguy hiểm, phóng xe ào ào trên vỉa hè. Vì thế, vỉa hè trên tuyến đường này nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Chia sẻ với chúng tôi, một chị bán hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần cầu Sơn (phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết, lúc trước, mỗi ngày 2 lần: từ 11 giờ đến 13 giờ và từ 17 giờ đến 20 giờ là chị đóng cửa hàng vì vỉa hè hầu như chỉ dành cho người đi xe máy. Từ khi có quy định mới, người dân đi lại thoải mái trên vỉa hè nên mua bán cũng thuận lợi hơn.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Văn Lời, Đội CSGT Hàng Xanh (Công an TPHCM), trực tại giao lộ Nguyễn Xí - Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cho biết, mức xử phạt tăng đã phát huy tác dụng, góp phần tăng ý thức người dân khi tham gia giao thông. Lúc trước, anh em CSGT thường xuyên nhắc nhở nhưng nhiều người vẫn không chấp hành, cố tình vi phạm; nay phần lớn người đi đường đã tự giác chấp hành luật giao thông, tín hiệu đèn.
“Thực tế, mức xử phạt tăng khiến người dân nâng cao ý thức khi ra đường. Người đi đường đến ngã ba, ngã tư gặp đèn đỏ cần quan sát có biển báo cho phép đi thẳng, rẽ phải hay không để đi tiếp, tránh dừng xe gây ùn tắc và mất thời gian của mình”, Đại úy Nguyễn Văn Lời cho biết thêm.
Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết, việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 168 nhằm mục đích nâng cao ý thức của người tham gia giao thông mọi tầng lớp, từ người điều khiển phương tiện thô sơ, xe máy, ô tô đến phương tiện kinh doanh hàng hóa, vận tải hành khách.
Các lỗi phạt theo Nghị định 168 tăng rất nặng, do đó, CSGT khuyến cáo người dân luôn ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông như: đi đúng làn đường, không đi ngược chiều, không phóng nhanh vượt ẩu, không vi phạm tốc độ, đặc biệt là không vi phạm về nồng độ cồn.
Sau 1 tuần triển khai Nghị định 168, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 92.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông:
Khoảng 2.300-2.500 tài xế ô tô và xe máy vi phạm về nồng độ cồn;
Khoảng 350-380 trường hợp/ngày bị lập biên bản do vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ);
Hơn 19.600 trường hợp vi phạm về tốc độ;
Hơn 1.100 trường hợp chở quá tải...
Tại TPHCM, CSGT đã xử phạt gần 12.000 trường hợp vi phạm:
Gần 470 trường hợp đi không đúng phần đường, làn đường;
Hơn 160 trường hợp đi ngược chiều;
Gần 1.250 trường hợp vi phạm lỗi tốc độ;
Hơn 210 trường hợp đi vào đường cấm;
Gần 400 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn...
Tổng số tiền phạt ước hơn 42 tỷ đồng.
Nguồn: Cục CSGT (Bộ Công an), Phòng PC08 Công an TPHCM
TRẦN YÊN - CHÍ THẠCH - ĐOÀN HIỆP