Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) do vi phạm một số quy định liên quan đến quá trình sản xuất.
Cơ quan chức năng kiểm tra 2 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.
Hai cơ sở sản xuất giá đỗ bị xử phạt nói trên gồm hộ kinh doanh Trần Thị Dung ở phường Tự An (TP Buôn Ma Thuột) và Công ty TNHH Thương mại Lê Sơn (Chi nhánh phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột).
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ sở kinh doanh Trần Thị Dung bị xử phạt tổng số tiền 10 triệu đồng về các hành vi: dùng dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy và không bố trí riêng biệt theo quy định về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, đóng gói và các khu vực phụ trợ liên quan (khu vực sàn vỏ giá, giá thành phẩm chung trong một khu vực).
Với hành vi tương tự như trên, Công ty TNHH Thương mại Lê Sơn bị xử phạt tổng số tiền 20 triệu đồng.
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hai cơ sở này đã vi phạm quy định về dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định...
Như báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, trước đó Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã triệt phá 6 cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường.
Trong đó, có 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), 2 cơ sở của đối tượng Vũ Duy Tư (SN 1991), 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (SN 1988) cùng ở phường Tân Hòa (TP Buôn Ma Thuột).
Bước đầu, cơ quan Công an xác định, trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là nước "kẹo". Nước "kẹo" thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Các đối tượng khai nhận, trong năm 2024 đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine. Trong đó, có 1 cơ sở đã ký hợp đồng bán cho 1 Bách hóa Xanh từ 350 - 400kg giá đỗ/ngày.
Liên quan đến vụ, việc cơ quan Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can nói trên về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm./.
Nguyễn Chính