Công ty Plus Việt Nam bị xử phạt 440 triệu đồng
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 440 triệu đồng đối với Công ty TNHH Công nghiệp Plus Việt Nam (Công ty Plus Việt Nam, số 3, đường 1A, KCN Biên Hòa II, phường Long Bình, TP. Biên Hòa). Lý do Công ty Plus Việt Nam đã đưa dự án vào hoạt động chính thức nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Đồng thời, không vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo quy định dù công trình xử lý chất thải đã lắp đặt từ 2021.
Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (đường số 4, KCN Nhơn Trạch III, huyện Nhơn Trạch) bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt 320 triệu đồng vì hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.
Cũng tại huyện Nhơn Trạch, Công ty TNHH Quốc tế Grande (đường 25B, KCN Nhơn Trạch II, huyện Nhơn Trạch) bị xử phạt 320 triệu đồng về hành vi không có giấy phép môi trường theo quy định đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.
Nhà máy xử lý rác Định Quán của Công ty Đa Lộc tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai
Cơ quan chức năng cũng phát hiện Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Đa Lộc (Công ty Đa Lộc, trụ sở chính ở số 281/2/28 Bình Lợi, Phường 13, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) có hành vi vi phạm "thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 2 lần trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 5.000 m³/giờ đến dưới 10.000 m³/giờ.
Cụ thể: khí thải sau hệ thống xử lý lò đốt rác công suất 1.000 kg/giờ của nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp không nguy hại và sản xuất phân hữu cơ (địa chỉ: ấp suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán) có thông số tổng các kim loại nặng khác và hợp chất tương ứng vượt 1,56 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp - QCVN 30:2012/BTNMT, cột B; lưu lượng khí thải 6.048 m³/giờ.
Với hành vi vi phạm trên, Công ty Đa Lộc bị phạt 120 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng buộc công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hệ thống xử lý khí thải lò đốt rác công suất 1.000 kg/giờ của nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp không nguy hại và sản xuất phân hữu cơ để đảm bảo khí thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 340 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển VRG Long Thành (Lô E, khu công nghiệp Lộc An Bình Sơn, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) do vi phạm xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m³/ngày đến dưới 1.000 m³/ngày (24 giờ).
Trạm trộn bê tông nhựa nóng của Công ty Bá Lộc có 5 hành vi vi phạm và bị xử phạt 520 triệu đồng
Ngoài ra, UBND tỉnh ra Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 210 triệu đồng đối với Công ty Cao su Kenda (trụ sở chính tại KCN Hố Nai, ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom và địa chỉ nhà máy tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom) .
Công ty Cao su Kenda vi phạm: "thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh theo quy định" và hành vi vi phạm "xây lắp không đúng công trình xử lý chất thải".
Đáng chú ý, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt 520 triệu đồng đối với Công ty TNHH Bá Lộc (Công ty Bá Lộc, số 36B, K2, đường Phạm Văn Thuận, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa).
Công ty Bá Lộc đã thực hiện 5 hành vi vi phạm đến môi trường gồm: "Không có giấy phép môi trường theo quy định đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh; thực hiện không đúng một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh; không có khu vực, kho lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; không bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; chậm kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp từ năm 2017 - 2024.
Văn Dũng