Mức xử phạt những hành vi vi phạm luật giao thông tăng lên rất cao, thậm chí gấp hàng chục lần so với trước đây khiến những người tham gia giao thông giờ đây đi ra đường luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ “dính” phạt.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe…
Vậy, câu hỏi đặt ra là với mức xử phạt như thế, người ta có sợ mà kiểm soát tay lái của mình mỗi khi ra đường hay không?
Câu trả lời là có và không.
Có, bởi rõ ràng, trong những ngày qua, chúng ta đã thấy được “hiệu ứng” và hiệu quả của việc “phạt thật nặng”. Ở những ngã tư lần đầu tiên người ta được chứng kiến những chiếc xe máy, ô tô trật tự, ngăn nắp đứng đúng vạch quy định, dừng khi đèn bắt đầu đỏ và di chuyển khi đèn xanh. Những cảnh chen lấn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đã giảm đi một cách đáng kể.
Đặc biệt ở những nơi có “thêm” bóng lực lượng cảnh sát giao thông.
Và Không!. Vẫn có những trường hợp vi phạm vượt khi đèn đỏ chưa tắt, đứng không đúng biển vạch, dừng đỗ xe ngay dưới biển cấm, rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm…
Có một câu chuyện vui lan truyền trên mạng về một trường hợp bị cảnh sát giao thông xử lý vì vượt đèn đỏ. Khi người vi phạm được hỏi: Có biết vượt đèn đỏ là vi phạm luật giao thông? Người kia trả lời là: Có. Anh cảnh sát giao thông mới hỏi tiếp: Vậy tại sao còn vượt? - Vì em không nhìn thấy anh!
Câu chuyện vui, nhưng đó cũng chính là tình trạng chung và ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông từ trước tới nay. Sợ thì có sợ, nhưng khi không có bóng dáng lực lượng chức năng, họ vẫn vô tư vượt đèn đỏ, điềm nhiên vi phạm luật giao thông.
Việc vi phạm luật giao thông đã thành thói quen của nhiều người. Thậm chí có người còn tỏ ý khó chịu với những người đi đúng luật
Nếu chúng ta vẫn bắt người dân tuân thủ luật theo kiểu nửa vời, giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trong quá khứ. Câu chuyện này, rồi cũng sẽ chẳng đi tới đâu. Ai cũng biết sau hơn chục năm thực hiện việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì hầu hết xã hội đã phải chấp nhận thực hiện việc này. Nhưng có thể khẳng định một điều, việc đội mũ bảo hiểm hiện nay, với nhiều người, chỉ là một hình thức chống chế, để tránh bị phạt.
Về cơ bản những người tham gia giao vẫn đội mũ bảo hiểm nhưng là mũ bảo hiểm thời trang - một khái niệm nực cười mà có lẽ chỉ ở ta mới có. Chúng không hề có chức năng, tính năng bảo vệ người đội khỏi những tai nạn giao thông. Và cả xã hội, sau bao nhiêu năm đã và đang chấp nhận điều này, với ngay cả lực lượng chức năng.
Đã có lúc, cơ quan chức năng bổ sung thêm việc kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm, cũng như bắt người dân mang mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn. Nhưng rồi, việc kiểm tra, xử lý cũng chỉ trong một thời gian ngắn.
Luật đã đưa ra, người được giao trách nhiệm xử lý không nghiêm, khiến ý thức người dân cũng không hề được cải thiện. Vậy, chúng ta bắt buộc đội mũ bảo hiểm để làm gì?
Câu chuyện này, lại giống như việc dọn dẹp vỉa hè ở các đô thị, như Hà Nội. Cứ dẹp đến cuối phố, thì đầu phố người ta lại vác bàn ghế ra kê!!! Hết tuần, hết tháng “hành động” thì đâu lại lộn xộn vào đó.
Lâu dần, hình thành một thói quen là “nghiêm túc thực hiện theo kiểu chống chế”. Và hoàn toàn không hề thay đổi được ý thức của đại bộ phận người dân. Đến khi bị xử lý theo luật, lại viện lý do thu nhập thấp, đời sống khó khăn, phạt nặng như thế lấy đâu ra tiền nuôi gia đình? Câu hỏi lại được đặt ra: Vì sao có thể lấy lý do nghèo khổ, khó khăn để biện minh cho việc cố tình vi phạm luật?
Và, liệu lỗi một phần trong việc người Việt không, ít chịu thực hiện nghiêm túc luật, là do những người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật không nghiêm, vẫn còn đâu đó có tình trạng tiêu cực?
Rất nhiều người khi tham gia giao thông không ý thức được việc phải chấp hành đúng tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường... thế nhưng khi bị xử lý theo luật lại viện đủ lý do để biện minh cho hành vi của mình
Trở lại câu chuyện đang nóng trong những ngày đầu năm 2025 này, khi rất nhiều người đã bị xử phạt nặng vì vi phạm luật giao thông. Đồng thời trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội đến ngoài cuộc sống, gần như tất cả mọi người đều bày tỏ sự lo lắng về những mức phạt quá cao so với thu nhập của nhiều người.
Vậy có phải việc áp dụng luật mới là quá đột ngột? Khiến người dân không kịp thích ứng?
Được biết, ngày 2/8/2024, Bộ Công an đã đưa ra Dự thảo lấy ý kiến đóng góp Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe… Về cơ bản người dân, các cơ quan truyền thông báo chí có khoảng 4 tháng để nghiên cứu, góp ý, tuyên truyền cho dự thảo này trước khi được đưa vào thực hiện.
Thế nhưng, ngày 1/1/2025, khi Nghị định 168 được triển khai, vẫn còn rất nhiều người ngỡ ngàng trước mức xử lý vi phạm. Đồng thời cũng tốn không ít giấy mực của các cơ quan truyền thông báo chí về “sự kiện” này.
Rõ ràng, ngay cả với các cơ quan truyền thông, với trách nhiệm của mình, vẫn không thực hiện việc tuyên truyền đủ sâu, đủ nhiều để người dân hiểu được luật, nắm được mức phạt. Thậm chí rất ít bài viết tuyên truyền đầy đủ về những mức xử lý vi phạm giao thông... Đến mức, hầu như câu chuyện bàn tán bây giờ chỉ xoay quanh chuyện “vượt đèn đỏ” thì bị phạt bao nhiêu?
Và ngay cả với người dân, rất nhiều người cũng không quan tâm tới việc tìm hiểu, hay thậm chí là góp ý vào dự thảo khi cơ quan chức năng đưa công khai lên mạng. Mặc dù những chính sách ấy sẽ tác động trực tiếp tới họ. Chỉ đến khi áp dụng vào thực tiễn, bắt đầu ảnh hưởng, nhiều người mới “ngã ngửa”, “ngỡ ngàng”…
Lúc này, chức năng, quyền lợi được phản biện đã trở nên khó khăn hơn khi luật đã được ban hành.
Đã đến lúc, chúng ta cần phải chú trọng và nghiêm túc đặt ra vấn đề giáo dục ý thức, nhân cách ngay từ khi một đứa trẻ bắt đầu có nhận thức, bắt đầu đến trường. Việc nuôi dưỡng, giáo dục ý thức, phẩm chất con người qua năm tháng sẽ rèn luyện được những phản xạ có tính điều kiện với những quy tắc bắt buộc của xã hội.
Quang Hùng/VOV Giao thông