Nhiều hàng quán ở Stockholm chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ
Thiệt hại vì tội phạm mạng có thể lên tới 2,5% GDP
Ellen Bagley rất vui khi bán được món hàng đầu tiên trên một ứng dụng phổ biến về mua bán quần áo cũ. Nhưng chỉ vài phút sau, cảm giác phấn khích đã chuyển thành cú sốc khi cô gái 20 tuổi đến từ Linkoping phát hiện mình đã bị… cướp. Mọi thứ có vẻ bình thường cho đến khi Bagley nhận được tin nhắn trên nền tảng này yêu cầu cô xác minh thông tin cá nhân để hoàn tất giao dịch. Cô nhấp vào liên kết, khởi động BankID (hệ thống xác thực kỹ thuật số phổ biến được hầu hết người dân Thụy Điển sử dụng). Sau khi nhận được một vài thông báo lỗi, Ellen Bagley linh cảm có điều gì đó không ổn, nhưng đã quá muộn. Hơn 10.000 kronor Thụy Điển (1.000 USD) đã bị rút khỏi tài khoản của cô. “Những kẻ lừa đảo rất giỏi trong việc làm cho mọi thứ có vẻ hợp pháp. Không dễ để nhận diện bẫy lừa đảo” - cô gái trẻ thừa nhận.
Cho tới nay, ứng dụng BankID vô cùng phổ biến, được các ngân hàng Thụy Điển thiết kế để thực hiện thanh toán điện tử nhanh và dễ dàng hơn so với việc đưa một xấp tiền. Nó hoạt động giống như chữ ký trực tuyến, giúp giao dịch được thực hiện ngay lập tức. Kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 2001, BankID đã trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày của người Thụy Điển. Đối với Bagley, việc BankID quá phổ biến chính là một phần của vấn đề. “Suy cho cùng, nó không phải biện pháp bảo mật mà chỉ là một bước trong việc sử dụng ứng dụng”.
Thụy Điển chuyển sang sử dụng thanh toán điện tử sau làn sóng cướp có vũ trang vào những năm 1990. Theo một cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương nước này, đến năm 2022 chỉ có 8% người Thụy Điển sử dụng tiền mặt cho lần mua hàng gần đây nhất của họ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cùng với nước láng giềng Na Uy, Thụy Điển có số lượng máy ATM bình quân đầu người thấp nhất châu Âu.
Tuy nhiên, từ một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới, Thụy Điển lại chứng kiến làn sóng tội phạm gia tăng. Gian lận trực tuyến và tội phạm kỹ thuật số ở Thụy Điển tăng vọt khi chúng lấy đi 1,2 tỷ kronor thông qua các vụ lừa đảo giống như Bagley đã mắc phải vào năm 2023, tăng gấp đôi so với năm 2021. Các cơ quan thực thi pháp luật ước tính, kinh tế tội phạm của Thụy Điển có thể lên tới quy mô 2,5% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.
Để chống lại làn sóng tội phạm kỹ thuật số, Thụy Điển đã gây sức ép buộc các ngân hàng thắt chặt biện pháp an ninh, gây khó khăn hơn cho những tên tội phạm công nghệ. Nhưng điều này lại cần một sự cân bằng tinh tế. Quá mạnh tay có thể làm chậm nền kinh tế, trong khi làm quá ít sẽ làm xói mòn lòng tin và gây tổn hại đến các doanh nghiệp hợp pháp.
Khi quy mô của các vấn đề ngày càng tăng, các ngân hàng đang đưa ra các biện pháp cho phép tăng cường thêm nhiều lớp bảo mật, bao gồm yêu cầu sự chấp thuận từ bên thứ hai đáng tin cậy đối với các giao dịch chuyển tiền lớn. Nhưng cơ hội lấy lại tiền cho những người dùng như Bagley là rất mong manh. Cô đã báo cáo sự việc xảy ra vào tháng 2-2025 với Ủy ban quốc gia về tranh chấp người tiêu dùng Thụy Điển. “Tôi đã nghe rất nhiều người nói họ cũng bị lừa đảo và cảm thấy rất cô đơn” - cô nói.
Ông Daniel Larson, công tố viên cấp cao về tội phạm kinh tế cho biết, những kẻ lừa đảo tinh vi đã biến Thụy Điển thành “thung lũng Silicon cho doanh nghiệp tội phạm” bằng cách sử dụng mạng lưới phức tạp của các công ty giả mạo và làm giả tài liệu để tiếp cận hệ thống phúc lợi của Thụy Điển. Ông nói thêm, trong khi cú sốc từ bạo lực có vũ trang đã thu hút sự chú ý của dân chúng (tỷ lệ giết người bằng súng của quốc gia này đã tăng gấp 3 từ năm 2012 đến 2022), tội phạm kinh tế vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động băng đảng và cần phải được giải quyết một cách quyết liệt.
Một cuộc triển lãm trưng bày tiền giấy tư nhân ở Thụy Điển
Xu thế trở lại với tiền mặt
Trên thực tế, theo báo cáo thanh toán hàng năm của các ngân hàng trung ương, Thụy Điển và Na Uy có lượng tiền mặt lưu thông thấp nhất thế giới, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, với xung đột ở châu Âu, cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động, cuộc sống không tiền mặt không còn là một thế giới lý tưởng như người ta vẫn nghĩ.
Tình hình được đánh giá là nghiêm trọng đến mức chính quyền Thụy Điển đang cố gắng khuyến khích người dân giữ và sử dụng tiền mặt để phòng vệ dân sự. Vào tháng 11-2024, Bộ Quốc phòng nước này đã gửi cho mọi nhà tờ rơi có tiêu đề “Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh xảy ra”, khuyên mọi người nên sử dụng tiền mặt thường xuyên và duy trì lượng tiền nhiều mệnh giá đủ dùng trong 1 tuần để “tăng cường sự chuẩn bị”.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Banker hồi cuối tháng 3-2025, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Erik Thedeen cho biết, ngành ngân hàng của nước này phải hành động nhanh chóng để giúp bảo vệ tiền mặt và mở rộng thanh toán trực tiếp. “Hiện giờ chúng ta cần phải nghĩ đến khả năng phục hồi sớm. Nếu mọi thứ đổ vỡ, chúng ta cần phải có tiền mặt”.
Thống đốc Erik Thedeen cho biết, là một trong những xã hội không dùng tiền mặt nhất thế giới, cơ sở hạ tầng thanh toán số hóa tiên tiến của Thụy Điển khiến quốc gia này ngày càng dễ bị tấn công mạng và có thể gây ra thêm rủi ro trong các cuộc khủng hoảng như “thời chiến”. Việc sử dụng tiền mặt tiếp tục giảm, nhưng ngân hàng trung ương đóng vai trò điều tiết trong công tác chuẩn bị dân sự cho các khoản thanh toán và tiến hành các đánh giá thử nghiệm để đảm bảo khả năng phục hồi được bảo vệ. Ngân hàng trung ương đã thúc đẩy ban hành luật buộc một số cửa hàng, chẳng hạn như hiệu thuốc, phải chấp nhận tiền mặt. Ông Thedeen hy vọng Thụy Điển sẽ ban hành luật này vào đầu năm 2027. “Trong tình hình căng thẳng, tiền mặt vẫn được coi là thứ mà bạn có thể tin tưởng và sử dụng được ngay, cả khi mất điện hoặc mất internet” - ông Thedeen nhấn mạnh.
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đang mở thêm nhiều kho tiền giấy trên khắp đất nước. Kể từ tháng 1-2023, họ đã vận hành các kho ở Marsta, Jonkoping và Umea. Tuy nhiên, duy trì và bảo vệ việc sử dụng tiền mặt cũng có những khó khăn riêng. Ví dụ, hiện hầu hết giao dịch tiền mặt đều được thực hiện thông qua máy ATM chứ không phải chi nhánh ngân hàng. Việc chuyển sang chi nhánh ngân hàng có thể gây tốn kém.
Ngoài ra, Thụy Điển không phải là quốc gia Bắc Âu duy nhất hoãn kế hoạch xây dựng một xã hội không tiền mặt. Năm ngoái, Na Uy, quốc gia có phương thức thanh toán tương đương phổ biến là Vipps MobilePay, đã ban hành luật mà theo đó các nhà bán lẻ có thể bị phạt nếu họ không chấp nhận tiền mặt. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân “giữ một ít tiền mặt trong tay vì các giải pháp thanh toán kỹ thuật số dễ bị tấn công mạng”. Như vậy, khi nói đến kế hoạch ứng phó khẩn cấp, 2 quốc gia ít dùng tiền mặt nhất thế giới vẫn khuyến khích duy trì tiền mặt như một biện pháp dự phòng.
Yến Chi