Có hai loại rượu là ethanol (cồn thực phẩm) và methanol (cồn công nghiệp). Ngộ độc rượu xảy ra khi một người tiêu thụ một lượng lớn rượu trong một thời gian ngắn, thường xảy ra do uống quá nhiều đồ uống có chứa cồn, như bia, rượu...
Các triệu chứng của ngộ độc rượu bao gồm: Lú lẫn, phản ứng chậm, thiếu sự phối hợp/không thể đi lại, khó khăn trong việc duy trì sự tỉnh táo, nôn, thở chậm/thở không đều, nhịp tim chậm, tiểu không tự chủ, da lạnh, da tím tái (đặc biệt là xung quanh môi và móng tay), hạ thân nhiệt, cơn động kinh, nồng nặc mùi rượu…
Với ngộ độc rượu ethanol, các triệu chứng nhẹ bao gồm: Đỏ mặt, nói lảm nhảm, đi loạng choạng, buồn nôn, nôn mửa, hơi thở có mùi rượu. Các triệu chứng nặng hơn là lơ mơ, rối loạn ý thức, hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, nhịp thở chậm, nông hoặc thậm chí ngưng thở. Một số trường hợp có thể co giật, hôn mê sâu.
Ngộ độc rượu có thể đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Ngộ độc methanol có thể xảy ra chỉ với lượng methanol rất nhỏ, trong giai đoạn đầu, các triệu chứng thường nhẹ và dễ nhầm lẫn với ngộ độc ethanol, có thể có thêm triệu chứng mờ mắt hoặc rối loạn thị giác. Sau đó, giai đoạn muộn, khi methanol chuyển hóa thành acid formic là chất rất độc thì các triệu chứng về mắt rõ hơn với các biểu hiện: Mờ mắt hoặc chói mắt, thậm chí mất hẳn thị lực, mù hoàn toàn. Bệnh nhân có biểu hiện hạ thân nhiệt, khó thở, thở nhanh nông do toan chuyển hóa và bị tụt huyết áp, mạch nhanh, lơ mơ, lú lẫn, co giật và hôn mê, thậm chí tử vong nhanh chóng.
Người bị ngộ độc rượu, dù là ethanol hay methanol thì đều có thể gặp phải các biến chứng sau: Mất trí nhớ, hạ đường huyết, co giật, viêm gan do rượu, suy gan cấp tính hoặc mạn tính, rối loạn nhịp tim, nôn mửa dữ dội (mất nước và điện giải), tổn thương não vĩnh viễn, mù lòa, mất ý thức, hôn mê hoặc tử vong.
Ngộ độc rượu là trường hợp cấp cứu, cần được điều trị ngay lập tức.
2. Ngộ độc rượu được điều trị như thế nào?
Ngộ độc rượu là trường hợp cấp cứu, cần được điều trị ngay lập tức, không nên cố gắng điều trị tại nhà.
Các lựa chọn điều trị tại bệnh viện
- Đảm bảo hô hấp và tuần hoàn: Đảm bảo lưu thông đường thở, có thể đặt nội khí quản và thở máy trong trường hợp cần thiết. Truyền dịch tĩnh mạch để điều trị tình trạng mất nước hoặc hạ đường huyết.
- Rửa dạ dày là kỹ thuật luồn một ống thông vào dạ dày để làm sạch độc tố trong dạ dày.
- Điều chỉnh tình trạng toan chuyển hóa bằng biện pháp lọc máu và bổ sung một số chất giúp thăng bằng kiềm toan.
- Liệu pháp oxy: Người bị ngộ độc rượu có thể cần cung cấp oxy qua ống thông mũi hoặc đặt nội khí quản.
- Điều trị và dự phòng tình trạng co giật bằng các thuốc an thần, điều chỉnh các rối loạn về tim mạch và hô hấp nếu có.
Cách sơ cứu người bị ngộ độc rượu
Người bị ngộ độc rượu cần được sơ cứu ngay lập tức:
- Giữ người bị ngộ độc rượu ở tư thế ngồi thẳng: Nếu muốn nằm, cần kê gối sao cho phần đầu và vai cao hơn thân mình; nếu thở khò khè, bất tỉnh, cho nằm nghiêng để tránh bị sặc khi nôn; gây nôn để loại bỏ cồn khỏi dạ dày.
- Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước (đặc biệt sau khi nôn) và làm loãng nồng độ rượu. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi… để giải độc rượu.
- Cần giữ ấm bằng cách đắp chăn, mặc áo ấm,…
- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất nếu người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm dãi nhiều, lay gọi không tỉnh, thở nhanh, thở sâu, co giật… hoặc bệnh nhân tỉnh nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt, nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, nhìn đôi, giảm/mất thị lực, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da tái,…
3. Cách ngăn ngừa ngộ độc rượu
Để ngăn ngừa ngộ độc rượu, nên thực hiện:
- Hạn chế lượng rượu uống vào.
- Tránh các trò chơi uống rượu.
- Duy trì đủ nước (uống nước sau mỗi lần uống đồ uống có cồn).
- Không uống rượu với thuốc, không nên uống khi bụng đói.
- Tránh uống nước không biết rõ thành phần hoặc nếu đồ uống đó được pha với nước tăng lực.