Những hoàn cảnh neo đơn sống và đối đãi với nhau bằng tình cảm đặc biệt, như những người thân ruột thịt
Chia sẻ với hoàn cảnh neo đơn
Hôm chúng tôi đến Trung tâm Công tác xã hội (TTCTXH) tỉnh, nắng vàng ruộm cả khoảng sân, người tất bật chuẩn bị tiểu cảnh đón tết, người quét dọn, người chăm sóc các cụ già, trẻ em khuyết tật, neo đơn. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp, không khí xuân lại rộn ràng khắp Trung tâm. Tuy không có quan hệ huyết thống nhưng họ đối đãi với nhau bằng tình thương đặc biệt, khó gọi thành tên.
Trước khi vào sinh sống ở TTCTXH tỉnh, bà Võ Thị Năm (SN 1952) từng hết lòng phụng sự cộng đồng. “Trước đây, tôi làm việc ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Long An. Nhiệm vụ chính là chăm sóc những người không may nhiễm bệnh, động viên họ cố gắng vượt qua. Thời đó, HIV như “bản án tử” nên tôi thấu hiểu những mặc cảm mà bệnh nhân gánh chịu. Tôi nhớ như in hồi trước, có một ông cụ dẫn con gái đến xét nghiệm, không may cô gái nhiễm HIV từ chồng và giờ đã lây nhiễm cho đứa con trong bụng. Nhận kết quả, người đàn ông chỉ biết bật khóc như đứa trẻ và ôm chầm con gái” - bà Năm bồi hồi nhớ lại.
Bà Võ Thị Năm và hộp thuốc cá nhân được cán bộ, nhân viên chăm sóc chuẩn bị riêng
Bà Năm cũng lập gia đình nhưng không có con. Khi chồng mất, bà quyết định làm đơn xin vào sống tại TTCTXH tỉnh, đến nay cũng đã 10 năm. Vài lần nhìn người khác có gia đình đủ đầy, sum vầy dịp lễ, tết, bà Năm không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng lòng nhiệt thành, sự tận tâm của cán bộ, nhân viên chăm sóc ở Trung tâm đã giúp bà vơi đi nỗi cô quạnh.
“Các cô, cậu nhân viên xem chúng tôi như người nhà, hôm nào cũng chăm chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, thăm khám sức khỏe định kỳ. Các cô, cậu ấy còn phát cho mỗi người một ngăn thuốc cá nhân nhỏ và chia theo ngày, theo bệnh để các cụ uống đúng cữ, đúng giờ” - bà Năm nói.
Cận Tết Nguyên đán, Trung tâm cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm, tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà, mang xuân đến với những hoàn cảnh neo đơn. Hôm chúng tôi đến trùng dịp bà Năm được đoàn từ thiện ghé thăm, tặng quà bánh. Khoảnh khắc bà nắm chặt tay nhà hảo tâm, cảm ơn rối rít: "Tôi cảm ơn cô, tôi mừng quá!" khiến chúng tôi nhớ mãi không quên.
Nói thêm về kế hoạch tổ chức đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Trưởng phòng Tổ chức hành chính - Kế toán TTCTXH tỉnh - Nguyễn Văn Đức cho biết: “Nhằm quan tâm, chăm lo cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng, đặc biệt là người lớn tuổi neo đơn, Trung tâm tích cực chuẩn bị tổ chức các hoạt động vui xuân, đón tết. Cụ thể, Trung tâm phối hợp Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Bình Tâm, TP.Tân An giao lưu, phục vụ văn nghệ; trang trí cảnh quan, mua bánh, mứt phục vụ dịp tết để các đối tượng cảm thấy ấm lòng khi xuân về”.
“Tôi biết ơn cuộc đời”
Dù đi lại không tiện nhưng bà Nguyễn Thị Lũy vẫn cố gắng tự lo chuyện sinh hoạt hàng ngày
Sinh sống ở TTCTXH tỉnh từ năm 1998, bà Nguyễn Thị Lũy (SN 1952) cảm thấy may mắn vì có nơi ăn chốn ở, không phải lang bạt, tha hương. “Tôi bị sốt bại liệt khi vừa lên 2, kể từ đó phải sống với đôi chân tật nguyền. Sau này, khi cha mẹ mất, tôi được địa phương hỗ trợ làm đơn và xin vào sống tại Trung tâm, ngót nghét cũng đã 26 năm. Tôi biết ơn cuộc đời, biết ơn Trung tâm và nhà hảo tâm vì đã giúp đỡ tôi từng ấy năm. Nhiều lúc thấy các hoàn cảnh giống mình ngoài xã hội nhưng không có nơi ở, tôi cầm không nổi nước mắt” - càng nói, đôi mắt của người phụ nữ 72 tuổi càng ngấn nước.
Dù đi lại không tiện nhưng bà Lũy vẫn cố gắng lo chuyện sinh hoạt thường ngày, đau ốm lắm bà mới nhờ nhân viên chăm sóc, bạn cùng phòng hỗ trợ.
“Mỗi lần lên giường, tôi dùng tay chịu lực để nâng cơ thể và từ từ leo lên. Những lúc đi tắm, tôi xuống xe lăn và bò từ từ vào. Những việc làm được tôi đều cố gắng tự làm để đỡ gánh nặng cho mọi người xung quanh” - bà Lũy cho biết.
Nhắc về “tình làng, nghĩa xóm” ở Trung tâm, bà Lũy cho biết mọi người đều có hoàn cảnh không may mắn, vẹn toàn trong cuộc sống. Do vậy, mọi người quan tâm, giúp đỡ, xem nhau như gia đình. Đôi khi san sẻ nhau miếng bánh, ly nước, đôi khi chăm nhau lúc ốm đau, bệnh tật, trái gió trở trời. Tự lúc nào, những trái tim xa lạ xích lại gần và nương tựa nhau qua ngày tháng.
Mùa xuân về trên khắp mọi nẻo đường, mang theo không khí ấm áp của tình người. Nhờ sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, những hoàn cảnh neo đơn cảm nhận được tình yêu thương, xua tan nỗi cô đơn và cùng nhau đón một năm mới tràn đầy niềm vui, hy vọng./.
Tuệ Ngân