Xuân về Làng Nủ

Xuân về Làng Nủ
14 giờ trướcBài gốc
BÀI 1: Khởi đầu mới, niềm tin mới vào cuộc sống mới
Những ngày chuẩn bị đón Xuân mới Ất Tỵ, không khí tái thiết ở Làng Nủ càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Mỗi gia đình nơi đây đều chủ động tìm kiếm và lựa chọn những phương thức sinh kế phù hợp, từ trồng cam, nuôi gà, đến trồng quế hay nuôi cá tầm… để xây dựng một nền tảng kinh tế bền vững, mở ra hy vọng tươi sáng cho tương lai.
Toàn cảnh thôn Làng Nủ từ trên cao - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Niềm vui nhân đôi
Kể từ khi nhận đàn gà con từ chương trình hỗ trợ sinh kế, gia đình anh Hoàng Văn Chầm luôn chăm sóc chu đáo. Nhờ vậy, đàn gà khỏe mạnh và lớn lên từng ngày.
Niềm vui tràn ngập trong mắt anh Chầm bởi gia đình anh không chỉ được nhận ngôi nhà mới khang trang, mà còn có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế.
Anh Chầm chia sẻ: "Việc được dọn về nhà mới đã là niềm hạnh phúc lớn với gia đình tôi. Nay lại được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ mô hình nuôi gà, tôi thấy đây là hướng đi rất phù hợp. Trước kia, gia đình tôi cũng nuôi gà thương phẩm ở bản cũ và đã mang lại hiệu quả kinh tế. Hy vọng với mô hình này, gia đình tôi sẽ có nguồn thu ổn định và nhanh chóng cải thiện đời sống trong thời gian tới".
Ông Lý Văn Học, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Khánh cho biết, mô hình hỗ trợ sinh kế nuôi gà thương phẩm là chương trình đầu tiên được triển khai tại Làng Nủ cho 20 hộ dân ngay sau khi tái thiết. Theo đó, mỗi hộ tham gia sẽ nhận hỗ trợ 10 triệu đồng để mua gà giống và 60 bao cám chia làm hai đợt. Giống gà được cấp là loại 10 ngày tuổi, đã tiêm đầy đủ vaccine, đảm bảo sức khỏe và phát triển tốt.
Anh Chầm chăm sóc đàn gà con từ chương trình hỗ trợ sinh kế - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Ông Học nhận định, mô hình nuôi gà thương phẩm phù hợp với nhu cầu và điều kiện của bà con, giúp họ cải thiện cuộc sống bền vững. Việc nuôi gà không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ, mà còn mang lại thu nhập từ việc bán trứng, thịt, và thậm chí là gà con làm giống.
Biến mất mát thành động lực phát triển kinh tế
Ở khu tái định cư, anh Nguyễn Văn Vững (sinh năm 1991) ở căn nhà số 4 được bà con nhắc đến như một điển hình về sự kiên cường và ý chí vượt khó. Sau cơn bão Yagi khốc liệt, dù phải chịu nỗi đau mất mát khi cả mẹ và con trai chưa tìm được thi thể, Vững vẫn đứng lên và làm lại từ đầu, vững vàng như chính tên gọi cha mẹ đặt cho anh.
Được biết, Vững cùng anh trai đã dọn dẹp và khôi phục 3 bể cá tầm của gia đình sau cơn bão. Mô hình nuôi cá tầm của Vững từng rất thành công trong phát triển kinh tế địa phương trước khi cơn bão ập tới. Với mỗi bể nuôi khoảng 3.000 con, sau 10 tháng chăm sóc sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ Trần Hoài Thu chia sẻ: "Vững là một thanh niên giàu nghị lực, chịu khó làm ăn và luôn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ khôi phục mô hình nuôi cá tầm, Vững còn tạo cảm hứng cho ba hộ gia đình khác trong thôn mạnh dạn thử sức với nghề này".
Một trong những điểm nhấn về phát triển sinh kế cho bà con Làng Nủ phải kể đến mô hình trồng cam V2. Đây là một hướng đi mới giúp bà con nơi đây cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống. Được triển khai thử nghiệm từ năm 2018, mô hình này hiện đang được mở rộng, mang lại những kết quả đầy hứa hẹn.
Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp chia sẻ: "Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên đang phối hợp với UBND xã Phúc Khánh triển khai mô hình trồng cam V2 trên diện tích 20 ha đất đồi do xã quản lý. Trước đây, khu đất này chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày như sắn, ngô và khoai, nên việc phát triển sinh kế trồng cam V2 có giá trị cao là cấp thiết".
Với thời gian thu hoạch từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, cam V2 có chất lượng vượt trội. Theo ông Diệp, quả cam to, đều, vỏ mỏng, hàm lượng nước cao, ít xơ, ngọt đậm và có mùi thơm tự nhiên là những yếu tố giúp cam V2 được thị trường ưa chuộng.
"Với khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của Phúc Khánh, cam V2 phát triển rất tốt, cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Giá bán cam V2 cao hơn so với các loại cây trồng chính vụ, tạo ra đầu ra ổn định cho bà con", ông Diệp nói.
Cam V2 tại xã Phúc Khánh với giá trị kinh tế vượt trội đã trở thành lựa chọn sinh kế đầy triển vọng cho bà con Làng Nủ - Ảnh: VGP/Văn Hiền
Năm 2023, nông dân Phúc Khánh đã thu hoạch hơn 110 tấn cam, thu về hơn 2 tỷ đồng.
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh Vũ Thị Tư thông tin, hiện toàn xã có hơn 20 ha cam V2, trong đó 10 ha đã cho thu hoạch, đạt giá trị thu nhập gần 250 triệu đồng/ha. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, xã đã lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng cam thêm 20 ha, nâng tổng diện tích lên 40 ha. Chính quyền xã sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định và giúp bà con an tâm sản xuất.
Trước đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên cũng đã lên kế hoạch vận động người dân phát triển mô hình trồng dâu tằm, gắn liền với nghề nuôi tằm và dệt vải. Mô hình này không chỉ phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào Tày mà còn có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại khu tái thiết.
Từng khảo sát khu vực bị lũ quét vùi lấp tại làng Nủ, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo Nguyễn Quốc Huy nhận định rằng, đất đai ở đây hoàn toàn có thể cải tạo để trồng dâu tằm. Ông chỉ rõ, việc cải tạo đất pha cát và đá sẽ ít tốn công sức hơn so với việc trồng lúa như trước. Bên cạnh đó, ông Huy rất hy vọng rằng mô hình trồng dâu tằm sẽ không chỉ tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, mà còn góp phần đưa du khách đến với làng Nủ, giúp tái thiết và phát triển kinh tế địa phương.
Để có được những ngôi nhà khang trang ở Làng Nủ hôm nay, không thể không nhắc đến vai trò của "đội quân lao động công tác" – Binh đoàn 12, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng). Với tinh thần "Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình", các chiến sĩ đã không quản ngại gian khó, tận tâm thi công, mang đến cho người dân vùng thiên tai những mái ấm vững chãi.
"Chúng tôi xác định rõ mục tiêu với quyết tâm cao nhất, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao nhà cho bà con đúng dịp Tết Nguyên đán. Trong quá trình thi công, chúng tôi gặp không ít thử thách, từ việc đưa vật liệu và cấu kiện vào công trường đến việc thi công trên địa hình trơn trượt. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, chiến sĩ và công nhân của đơn vị luôn xác định rõ mục tiêu với quyết tâm cao nhất, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao nhà cho bà con trước dịp Tết Nguyên đán", Thượng tá Vũ Đình Dũng, Chỉ huy trưởng công trường khu tái định cư Làng Nủ tự hào chia sẻ.
Thiên tai có thể cướp đi của cải, tính mạng nhưng không thể lấy đi ý chí và tinh thần quyết tâm gây dựng cuộc sống mới của người dân Làng Nủ. Chắc chắn, chỉ trong thời gian ngắn, những mô hình sinh kế trên sẽ thành công, khẳng định sự hồi sinh mạnh mẽ, của sức mạnh đoàn kết xây dựng một ngày mai tươi sáng hơn, vững vàng hơn.
Văn Hiền
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/xuan-ve-lang-nu-102250119160042899.htm