Xuân về nơi những bản, làng di dân tự do

Xuân về nơi những bản, làng di dân tự do
4 giờ trướcBài gốc
Ngày càng có nhiều ngôi nhà mới được xây dựng tại Tây Sơn
Đam Rông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù là địa phương có xuất phát điểm thấp, nhưng bù lại, nơi đây cũng là huyện có diện tích đất rộng, người thưa, thuận lợi cho việc khai khẩn đất hoang, sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, nhiều năm qua, đã có hàng ngàn hộ dân từ các tỉnh, thành phố phía Bắc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, H' Mông… di dân tự do vào Đam Rông định cư.
Tại vùng đất mới, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Song việc di cư ngoài kế hoạch đã gây ra nhiều áp lực, hệ lụy cho các cấp chính quyền và các ngành chức năng của địa phương.
Cà phê được mùa, được giá nên người dân rất vui mừng, phấn khởi chuẩn bị đón Tết
Hẹn mãi, chúng tôi mới có thể cùng cán bộ xã Liêng Srônh vào thăm điểm dân cư Tây Sơn trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Một hành trình dài 50 km từ trung tâm huyện, với gần nửa quãng đường xuyên rừng, khó đi.
8 giờ sáng, khi chúng tôi đến nơi, nắng sớm phủ khắp những triền đồi, nơi người dân vừa cười nói rôm rả, vừa tất bật thu hái cà phê từ sáng sớm. Trong làng, tất cả sân phơi trước nhà đều được trải kín cà phê. Năm nay, cà phê ở Tây Sơn được mùa lại được giá nên ai nấy đều phấn khởi.
Từ hơn chục năm trước, ông Giàng A Sùng, dân tộc H' Mông đã đưa gia đình vào khu vực Tây Sơn, xã Liêng Srônh để khai phá đất đồi, tạo dựng cuộc sống nơi vùng đất mới. Cùng với đó, hàng chục hộ dân khác cũng nối bước chân gia đình ông để di cư vào đây. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đời sống của người dân đã thay đổi và ngày càng khấm khá rõ rệt.
"Đến hiện tại, cuộc sống đã ổn định hơn trước nhiều, Năm nay, gia đình cũng thu được hơn 7 tấn cà phê nhân, giá bán cũng cao nên gia đình tôi và người dân ở đây ai cũng vui. Hiện tại, nhiều nhà chuẩn bị con lợn, gà trống thiến, gạo nếp làm bánh chưng, bánh dày, bột ngô làm mèn mén để đón Tết” - ông Giàng A Sùng nói.
Phân hiệu Trường Mầm non và Tiểu học Tây Sơn đươc xây dựng mới khang trang
Dạo một vòng quanh điểm dân cư Tây Sơn, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà gỗ mới, lợp mái tôn hiện đại đã được xây dựng lên, không khí ngày xuân thêm ấm áp, rộn ràng. Mùa xuân này, cái khó khăn, nghèo đói ở Tây Sơn đã và đang dần được thay bằng cuộc sống mới no đủ hơn, bởi bà con biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế.
Và mới đây, công trình Phân hiệu Trường Mầm non và Tiểu học Tây Sơn trị giá hơn 4,7 tỷ đồng, được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cũng đã được hoàn thành. Trong thời gian tới, ngành giáo dục địa phương cũng sẽ sớm bố trí đội ngũ giáo viên cùng các trang thiết bị về điểm trường để phục vụ việc dạy và học của các em học sinh nơi đây.
Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cụ thể hóa thành việc làm thiết thực dành cho sự nghiệp giáo dục của các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đam Rông nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Trong thời gian tới, huyện Đam Rông sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng một con đường bê tông nối liền từ xã Phi Liêng đi vào điểm dân cư Tây Sơn
Ông Phạm Văn Diên – Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh cho biết, khu vực dân cư Tây Sơn có phía Đông giáp đất rừng Tiểu khu 197; phía Tây giáp ranh giới tỉnh Đắk Nông; phía Nam giáp xã Phi Liêng và phía Bắc giáp đất rừng thuộc Tiểu khu 198. Nơi đây đúng nghĩa là một điểm dân cư nằm lọt thỏm giữa rừng sâu, với 103 hộ dân với gần 500 nhân khẩu đang sinh sống.
Đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là do khai phá đất đồi và được người dân trồng cây công nghiệp ngắn ngày và lâu năm như: sắn, cà phê. Mặt khác, nhà ở của người dân cũng được xây dựng tập trung tại khu vực đất nông nghiệp, chủ yếu là nhà gỗ, nhà tạm, không có nhà xây kiên cố, cuộc sống theo phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc H’ Mông từ phía Tây Bắc di cư vào với hiện trạng có 84 căn.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có các điểm dân cư thuộc diện di dân tự do khác như: Tiểu khu 179, Tiểu khu 181, Đạ M’Pô. Những năm qua, huyện Đam Rông đã luôn quan tâm, bố trí nhiều nguồn vốn ngân sách khác nhau để ổn định đời sống cho các hộ dân vùng di cư tự do.
Đơn cử như: Dự án bố trí, sắp xếp dân cư tại Đạ M’Pô, xã Liêng Srônh với kinh phí hơn 84 tỷ đồng, diện tích quy hoạch 319,12 ha, số hộ dự kiến bố trí, sắp xếp 200 hộ/946 khẩu; Dự án sắp xếp dân di cư tự do khu vực Tây Sơn và Tiểu khu 179, xã Liêng Srônh với tổng mức đầu tư dự kiến gần 160 tỷ đồng…
Cùng với đó, hệ thống điện, đường và những công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn chỉnh đã giúp cho các hộ dân từng bước ổn định cuộc sống.
Học sinh tại điểm trường tại điểm dân cư Đạ M’Pô, xã Liêng Srônh trong giờ ra chơi
Trong thời gian tới, huyện Đam Rông sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn, sớm ổn định cuộc sống của Nhân dân và giải quyết các vấn đề nảy sinh, góp phần hình thành, phát triển các khu dân cư, vùng sản xuất mới. Đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mở rộng diện tích, sản lượng sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy quá trình hòa nhập, phát triển cho các dân tộc tại chỗ; bổ sung và đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc ở Đam Rông nói riêng và Lâm Đồng nói chung, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Chúng tôi rời Tây Sơn trong niềm vui hân hoan. Một mùa xuân mới lại về, không khí xuân tươi vui len lỏi gõ cửa mọi nhà, hiện hữu trên từng con đường, ngõ xóm ở Tây Sơn nói riêng và những bản, làng di dân tự do Đam Rông nói chung.
Năm mới cũng mang theo những dự định mới, kỳ vọng mới về công cuộc đổi mới, để những bản, làng vùng di dân tự do Đam Rông càng trở nên trù phú, thật sự là không gian văn hóa, là nơi đáng sống của mỗi người dân.
HOÀNG SA
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/xa-hoi/202501/xuan-ve-noi-nhung-ban-lang-di-dan-tu-do-448404c/