Đường đông, tấp nập người, chộn rộn bán mua, tiếng mời chào mặc cả rổn rảng cả một mảng dài. Ai cũng vội vàng, hối hả đuổi theo bước thời gian đang âm thầm lướt qua. Đã là sáng sớm ngày hăm chín tháng Chạp, đêm nay giao thừa, mà chợ còn đông lắm, người bán thì cố hết cho xong, người mua thì cố mặc cả kỳ kèo để bớt được đồng nào hay đồng đó.
Năm rồi bão lũ thiên tai nhiều, bông cũng ít mà người ta cũng không dám xài sang, nên chợ bông thường niên mấy hôm rồi chỉ lác đác khách giờ lại ùn ùn như hội.
Lọt thỏm trong mớ thanh âm bát nháo và khung cảnh hoa hòe tráng lệ đó, một ông già với vẻ ngoài xơ xác tiêu điều đứng trước hai chậu bông vạn thọ, bối rối sờ đi sờ lại cái túi áo trống không trên khuôn ngực xẹp lép phải tới hai ba lần. Rõ ràng ông đã cất kỹ vào tận đáy túi, mới nửa tiếng trước đây thôi. Mà bây giờ lại không có.
Chàng ràng một hồi, bị người bán xua đi gấp vì làm vướng chỗ, ông ta cúi đầu, thẫn thờ quay đi, vừa đẩy cái xe đạp cà tàng len lỏi qua dòng người chen chúc, vừa dáo dác nhìn quanh tám hướng mười phương, miệng lẩm bẩm: “Không có. Vậy mà lại không có. Sao lại không có cho được?”.
Ông lững thững đi suốt một đoạn đường dài, tấm lưng khẳng khiu còm xuống như một nhánh cây khô, lắc lư sắp gãy, từ hốc mắt khô khốc rỉ ra hai giọt nước, hình như ông khóc. Nhưng khóc thì khóc, tiền của ông cũng đâu có tự mình quay lại - số tiền mà để có nó, ông đã phải lê cái thân già lụm từng cái lon miếng giấy từ lúc tờ mờ sáng tới tận bây giờ mới đổi được - nó đã không cánh mà bay, nhưng bay từ túi ông đi đâu, ông cũng không biết. Càng nghĩ càng giận cái thân già không làm được chuyện gì nên vía nên hồn.
Bỗng ông già dừng lại, cặp mắt mờ đục gần như nhắm tịt nhìn chăm chăm về phía một đứa con nít trắng trẻo mập mạp chừng ba bốn tuổi đang lục tìm gì đó trong bụi. Đầu chợt lóe lên ánh sáng, ông ta hồ hởi, trong tâm trí già nua mệt nhọc dường như khỏe khoắn ra ít nhiều.
Không biết là vì tò mò hay cho rằng thằng nhỏ nhìn thấy tiền của mình, với niềm hy vọng khó hiểu, ông nép một vào một góc, im lặng chờ đợi, hai con ngươi lờ mờ trông ngóng về phía thằng nhóc.
Nếu ông có thể thấy được hình ảnh của mình lúc này, hẳn sẽ nhận ra, bản thân coi chẳng khác nào những tên “đầu trộm đuôi cướp” ẩn nấp trong vẻ bọc già nua tội nghiệp để chờ thời cơ bắt cóc con nít mà người ta thường nhắc tới trên truyền hình. Người lọm khọm, mặt lấm lét, mắt nheo nheo, miệng nhênh nhếch. Nhìn gian không chịu được. Hẳn là, thiên hạ cũng nghĩ như vậy.
Ông già không biết rằng có tới gần chục cặp mắt đang nhìn ổng đăm đăm- như cái cách mà ông nhìn thằng nhỏ- nhất là từ phía quán cà phê đối diện bên đường. Xuyên qua dòng người hối hả, họ khóa chặt ông già trong cái nhìn nửa đề phòng nửa kinh ngạc. Họ lo lắng, xầm xì với nhau rồi vỡ lẽ khi người xung quanh cũng nghĩ như mình, và họ chắc mẩm điều mình ngờ là sự thật.
Họ bắt đầu nhốn nháo, ồn ào, râm ran với nhau trong sự chính nghĩa dâng trào. Khí thế sôi sục hệt như cái không khí náo nức rộn ràng mà mùa xuân đang thổi xuống trần gian. Không một ai phản bác, không một ai nghi ngờ.
Chỉ hai phút sau, bà chủ quán- một người phụ nữ đẫy đà- lao qua đường như tên bắn, nắm chặt cánh tay thằng nhỏ rồi thẳng thừng lôi nó trở về, miệng oang oang những lời đay nghiến cay độc, không biết là chửi cháu mình hay cố ý nói cho người khác nghe.
Bà ta rất lớn tiếng, nhưng so với rừng thanh âm bát nháo của chợ tết thì cũng chỉ như một viên sỏi con con bị ai đó ném tòm xuống nước, chỉ thu hút được ánh mắt tò mò của vài người, họ quay lại nhìn, cười cợt vài câu rồi ngoảnh mặt đi thẳng.
Ông già hình như không biết người ta nói mình, từ đầu đến cuối chỉ chăm chú nhìn vào tờ tiền màu nâu ruốc mà thằng bé nắm cứng trong bàn tay nho nhỏ. Hình như là tờ tiền của ông ta thật.
Miệng ông giật giật, muốn lên tiếng đòi lại, nhưng dưới ánh nhìn hung ác của bà chủ quán cà phê, ông ú ớ mãi mà không nói được nên lời. Cuối cùng, đành tiếc nuối nhìn theo cho đến khi hai bà cháu đi hẳn vào trong quán.
Sự “theo dõi” thẳng thừng của ông ta làm cho vài gã đàn ông trong quán cà phê bên kia đường nổi cơn bực dọc, vài người không chịu được, hùng hổ đứng sững dậy, đi về hướng ông già.
Không nói gì và cũng không để ông già kịp nói gì, chỉ một cái chỉ tay hăm dọa và vẻ mặt hung dữ đã khiến ông ta hoảng loạn, con tim già nua đập thình thịch trong lồng ngực lép xẹp, đầu gật như bửa củi, môi lép nhép cái gì không ai biết, run rẩy đạp xe, run rẩy chạy đi, run rẩy nghĩ mãi không hiểu vì sao mình chỉ muốn lấy lại số tiền mình đã vất vả kiếm ra lại dẫn đến việc bị người ta dọa đánh.
Ông già lẩy bẩy, mồ hôi đổ ròng ròng, cặp chân khẳng khiu guồng xe lướt qua không biết bao nhiêu đám đông nhưng không một ai quan tâm đến, sắc mặt ông tái dần, cuối cùng dừng lại đằng sau một đống rác cao như núi, bên trên chất đầy những cây, những bông héo úa bị người ta bỏ đi.
Nhìn tụi nó bây giờ, ai mà dám nghĩ tụi nó đã có một thời rực rỡ khoe sắc tỏa hương được người ta nâng niu đặt ở nơi trang trọng nhất. Nhưng vậy cũng còn may hơn so với những luống, những cây chưa kịp đua sắc đua hương đã bị giông gió vùi cho tan tát.
Tính ra, đời bông cũng như đời người, cũng có một thời mơn mởn rồi tàn úa và dù may hay không may, cuối cùng cũng chỉ gom về một chỗ. Và ông, hình như cũng dần dần bước chân về cuối, mỏi mòn, đơn độc và trơ trọi.
Biết rõ không thể tìm lại được số tiền mình đã đánh rơi, ông già thở dài, bắt đầu lục lọi đám bông bị bỏ đi, muốn kiếm một hai chậu “dòm cũng được được” đem về nhà, nhưng từ lưng sáng cho tới tận xế trưa, mồ hôi đã ướt mèm tấm lưng cũ kỹ vẫn không tìm được cái gì nên hình nên dáng, cuối cùng đành phải chọn lấy một vài nhánh bông còn tươm tất từ nhiều chậu nhiều mớ khác nhau, gom thành bó “xà bần” đủ loại, cột lại cẩn thận rồi treo ở đầu xe.
Trong lúc định bỏ đi thì từ xa xa đâu đó, bỗng dưng có một gã đàn ông cởi trần hô lớn tìm người đã đánh rơi tiền- cái tờ tiền màu ruốc- cái tờ tiền giống hệt tờ của ông. Ông già thấy trong tâm trạng u tối của mình, lại có một ngọn đèn được thắp lên, sáng rực. Có lẽ đây mới là tiền ông đánh rơi, còn đứa bé kia, chỉ là một việc hiểu lầm, khó trách người ta lại khó chịu.
Bánh xe quay lừng khừng, dường như đang cố chạy thật nhanh về phía trước, đoạn đường chỉ vài chục thước nhưng trong đầu người đàn ông già nua ấy dường như có trăm ngàn dòng suy nghĩ lướt qua. Hồi hộp đến run rẩy, tim lần nữa vang lên từng hồi thình thịch, thình thịch… Đã tới rất gần, ông ấy hít một hơi thật sâu, cất tiếng gọi yếu ớt:
- Chú…
Và rất nhanh, tiếng kêu ấy đã lọt thỏm trong chuỗi thanh âm chát chói rồi biến mất, ở cái lúc ông ta còn rối rắm với những suy nghĩ hỗn loạn đó, lại thêm một người phụ nữ ăn mặc tươm tất bán bông ngay kế bên xuất hiện.
Việc một người bước ra từ dòng người ngược xuôi này thì có gì mà đáng chú ý hay lạ lùng đâu? Lạ lùng và đáng chú ý ở chỗ, bà ta nhận tờ tiền nọ là của mình. Và lúc này, ngay trước mặt ông, bà ta đang cẩn thận nhét lại tờ tiền ấy vào trong túi.
Trời ơi!
Nhìn cảnh đó mà thấy đất trời như đổ sụp.
Ông già ngồi phịch suốt góc đường, khóe mắt nhăn nheo lần nữa dâng lên hơi nước. Ông co gối, thầm trách những người kia tàn ác, đã đủ đầy sung túc sao còn phải tranh giành rồi đối xử tàn tệ với ông - một lão già gần đất xa trời, ốm đói, sa cơ không người thân thích. Họ lại còn đùa nhau, trêu nhau, cảm ơn nhau rồi lướt đi như thể đó là tiền của họ.
Ông giận người, rồi càng giận ông trời, sao mấy năm trước dịch bệnh ổng không bắt ông đi theo bà luôn cho rảnh nợ, mà chừa lại mình ông lay lắt tới bây giờ. Đó, như vậy mà cứ mỗi năm hết tết tới, đất trời thay áo, đón xuân, cây lá chim chóc tưng bừng. Còn ông… phải mà… phải mà…
Ông già thút thít, từng tiếng nấc nghẹn ri rít vang lên nơi góc đường, yếu ớt, mỏng manh và bất lực như tiếng chim lạc tổ kêu buổi xế.
Tiếng tỉ tê nhuyễn như sương ấy rốt cuộc cũng rơi vào tai người đàn bà nọ. Bà ta đang dọn nốt vài chậu bông cuối cùng lên xe, chuẩn bị về nhà. Không biết vì thương cảm hay vì phiền, mà bà ta thủng thỉnh đi tới chỗ ông, móc ra đưa cho ông một cái phong bì đỏ chói:
- Tối tới rồi, về ăn tết đi ông. Khóc kể gì ở đây không biết nữa?
Ông già ngơ ngác cầm lấy, lại ngơ ngác nhìn cái người mà ông vừa hờn trách lúc nãy đem tới đặt trước mặt ông một chậu vạn thọ màu cam, bông lớn như cái chén. Mãi cho tới khi bà ấy quay đi, ông mới bừng tỉnh, luống cuống nói cảm ơn nhưng không ai nghe thấy.
Phải cho tới khi tiểu thương đã về hết, phố lên đèn, ông già mới chậm chạp đẩy xe, chậu bông được ràng kỹ ở yên sau, khóe miệng cằn cỗi bao lâu nay vô thức kéo lên một nụ cười làm lộ ra hàm răng trống huơ trống hoác chỉ còn lưa thưa vài cây.
Ráng chiều lại tô thêm một lớp vàng cam, kéo bóng ông trải dài rồi chìm sâu vào ánh đèn hoa long lanh kéo dài như vô tận…
Hình như, xuân về, tết tới rồi.
Đ.P.N
*Tờ tiền nhựa: cách gọi tiền polyme của một số người lớn tuổi.