Xuân yêu thương trên các bản làng

Xuân yêu thương trên các bản làng
2 ngày trướcBài gốc
Hồi sinh sau giông bão
Sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào ngày 10/9/2024 tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), 37 căn nhà của thôn dưới chân núi đã bị vùi lấp. Thảm họa khiến 57 người chết và 10 người mất tích. Nhiều con đường bị sạt lở, hàng trăm ha cây cối, hoa màu cùng các tài sản bị nhấn chìm dưới dòng nước lũ. Thiên tai qua đi, với sự chung tay của xã hội, sau 3 tháng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cùng UBND tỉnh Lào Cai tổ chức bàn giao 40 căn nhà tái định cư mới đã hoàn thành, bàn giao để bà con Làng Nủ dọn về nơi ở mới.
Khu tái định cư Làng Nủ nằm trên đồi cao rộng 10ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300m2; một điểm trường rộng 200m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước. Đường dẫn vào Làng Nủ được đổ bê tông. Mỗi căn nhà sàn kiên cố rộng 96m2 theo kiến trúc người Tày, công trình phụ trợ, vườn trồng rau bên hông hoặc phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào. Bản làng mới hiện hữu như bức tranh với sắc màu tươi sáng. Những luống rau xanh cùng nhiều loại hoa đã sinh sôi, nảy nở trên vùng đất mới, mang theo sức sống cho cả khu tái định cư. Những ngôi nhà sàn vững chắc bên ánh đèn sáng lung linh, con đường sạch sẽ và hệ thống điện lưới ổn định đã tô điểm cho cuộc sống, mở ra cơ hội phát triển giáo dục, y tế và kinh tế nơi đây.
Làng Nủ đang từng ngày hồi sinh. Người dân nơi đây đã chính thức được nhận nhà tái định cư, sinh sống trong niềm vui phấn chấn trong hành trình tái thiết cuộc sống, hướng đến tương lai.
Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ chia sẻ: “Những mất mát trong đợt mưa lũ vừa qua là không thể bù đắp, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước, bà con đang có cơ hội làm lại cuộc sống. Chúng tôi cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Giờ ổn định nơi ở, các gia đình hân hoan bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho cái Tết”.
Cũng như Làng Nủ, thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) được hồi sinh sau trận mưa lũ khủng khiếp vào tháng 9/2024 đã khiến 3 người chết và 35 hộ dân lâm vào cảnh mất nhà cửa, người dân trong phút chốc trắng tay. Lúc ấy, người dân thôn Kho Vàng không biết tương lai của mình sẽ ra sao. Ngay trong lúc bà con thôn Kho Vàng đang chông chênh sau sạt lở, chỉ sau 3 ngày trao đổi với chính quyền và người dân thôn Kho Vàng, ngày 21/9, Petrovietnam đã phối hợp với tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng. Toàn bộ kinh phí thực hiện việc tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng lấy từ nguồn quỹ an sinh xã hội mà người lao động công ty đóng góp. Khu tái định cư thôn Kho Vàng được thiết kế trên một triền đồi thoải với tám bậc thang để phù hợp với địa hình phức tạp và tập quán sinh sống của đồng bào Mông, Dao là ở nhà thấp tầng nhưng lại ở trên cao, không như người Tày sống ở nhà sàn dưới vùng bằng phẳng.
Sau 3 tháng, người dân thôn Kho Vàng hạnh phúc khi được nhận nhà mới. Bà Sùng Thị Mài (thôn Kho Vàng), một trong những người dân đầu tiên được trao chìa khóa ngôi nhà mới, xúc động không kìm được nước mắt. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được ở trong một ngôi nhà đẹp thế này. Căn nhà cũ của tôi đã nhiều chỗ bị dột, mỗi khi mưa to gió lớn là phải đi hứng nước khắp nơi. Giờ thì tôi có thể ngủ ngon, không còn lo sợ nữa. Hệ thống điện, nước sạch đầy đủ. Nhà có các cửa rất kín nên mùa đông này ấm áp hơn. Có ngôi nhà đầy đủ tiện nghi: ti vi, tủ lạnh, internet, bếp ga, giường, tủ, bàn ghế nên ai cũng thích. Ở trong ngôi nhà mới này, chúng tôi ngỡ đang trong mơ”.
Người dân Kho Vàng phấn chấn khi an cư, lạc nghiệp. (Ảnh: Đạt Thảo)
Ông Sùng Seo Tráng, người cao tuổi nhất thôn phấn khởi: “Ngôi nhà này là món quà lớn nhất mà tôi nhận được. Nó không chỉ là nơi ở mà còn là biểu tượng của sự quan tâm và yêu thương của cả xã hội đối với chúng tôi”. Trong ngôi nhà còn thơm mùi gỗ, tay bế con đang say giấc nồng, chị Lý Thị Toòng - người đã mất chồng, bố chồng và cả căn nhà trong cơn lũ dữ rưng rưng: “Tôi mất đi nhiều thứ, nhưng nơi này đã cho tôi cơ hội làm lại từ đầu. Chồng tôi không còn, nhưng tôi sẽ cố gắng thay anh ấy chăm lo cho các con”.
Xúc động “lá rách ít đùm lá rách nhiều”
Với đức tính chất phác, sẻ chia, đùm bọc, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nhiều gia đình đã sẵn sàng nhường ngôi nhà mới của mình cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Gia đình ông Hoàng Sơn Hải ở thôn Át Thượng, xã Minh Xuân (huyện Lục Yên, Yên Bái) xin không nhận nhà tái định cư, với lý do đầy xúc động: “Khi viết đơn, tôi chỉ nghĩ rằng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Gia đình tôi đã nhận được sự giúp đỡ đủ để xây dựng nhà mới, nên tôi xin nhường lại cơ hội này cho người khác”, ông Hải nói. Được biết, trong cơn bão số 3 vừa qua, ông Hải cùng lúc mất đi 3 người thân gồm mẹ, vợ, con trai và nhà cửa bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở đất. Ông Hải bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các nhà hảo tâm. “Gia đình tôi sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau và ổn định cuộc sống. Ngôi nhà mới sẽ là nơi hai bố con chúng tôi đón năm mới và bắt đầu lại từ đầu”, ông tâm sự.
Cũng viết đơn xin không nhận nhà, anh Nguyễn Xuân Dương (27 tuổi) ở Làng Nủ cho biết đã mất 6 người thân trong vụ sạt lở, lũ quét. “Do đã có gia đình và ra ở riêng, lại được cấp căn nhà tái định cư khác, tôi sẽ thờ tự người thân tại nhà mình", anh Dương nói. Còn chị Nguyễn Thị Sành (24 tuổi) ở Làng Nủ viết đơn xin không nhận suất nhà tái định cư cho bố ruột là ông Nguyễn Văn Trần, vì cả gia đình ông Trần đã mất. Chị Sầm Thị Nhiên (26 tuổi) cũng ở Làng Nủ tâm sự: “Cả gia đình bố chồng đã qua đời trong trận lũ quét vừa qua, chúng tôi cũng xin không nhận nhà tái định cư”.
Ông Hoàng Văn Diệp - Trưởng thôn Làng Nủ cho hay: “Những lá đơn xin không nhận nhà tái định cư của ba hộ Nguyễn Thị Sành, Nguyễn Xuân Dương và Sầm Thị Nhiên thể hiện nghĩa cử sống cao đẹp, lan tỏa tinh thần, lối sống tích cực. Chẳng ai tham lam của cải, vật chất dù với họ, ngôi nhà vừa hoàn thành rất đẹp đẽ, tiện nghi và hiện đại. Mặc dù người thân đại diện những hộ này hoàn toàn có thể nhận thừa hưởng để làm nơi thờ cúng. Họ đều tự nguyện từ chối, xin nhường lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Chúng tôi sẽ xin ý kiến của tỉnh, huyện bố trí nhà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng hoặc các hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt không thể tiếp tục sinh sống ở nơi ở cũ, phải bố trí tái định cư”.
“Tôi cũng như lãnh đạo địa phương rất xúc động, mặc dù hoàn cảnh đau thương, còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc xin không nhận nhà mới mà bàn giao lại cho địa phương đã thể hiện đức tính thật thà, chất phác, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của người dân”, bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh nói.
Xuân yêu thương trên các bản làng hạnh phúc. “An cư - lạc nghiệp” - người dân ngập tràn niềm xúc động, sự biết ơn, của niềm vui, với một sự khởi đầu, tươi mới, bình yên. Thôn Kho Vàng, Làng Nủ sẽ vững bước trên con đường hồi sinh, trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, của niềm tin và sức mạnh vượt qua mọi thử thách.
Từ đau thương, tình yêu thương, tinh thần sẻ chia của đồng bào cả nước đã thắp lên nơi đây hy vọng. Nhịp sống mới sau những ngày giông bão sẽ trở lại, bình yên và phồn thịnh hơn xưa. Hành trình hồi sinh những mảnh đất này là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và lòng kiên cường của người dân Việt Nam.
Thùy Dương (tổng hợp)
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/xuan-yeu-thuong-tren-cac-ban-lang-post536841.html