Xuất bản điện tử là xu thế trong kỷ nguyên số.
Những năm gần đây, quá trình ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành diễn ra mạnh mẽ, thể hiện qua 4.500 đầu sách điện tử được xuất bản trong năm 2023, chiếm 15,3% tổng số xuất bản phẩm. Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ cao vào biên tập, xuất bản, phát hành sách ngày càng phổ biến, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành.
Theo ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, xuất bản điện tử ngày càng phát triển với 32 nhà xuất bản đã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này. Với sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của các cơ quan chỉ đạo, quản lý; sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chủ quản và trên hết là sự nỗ lực phấn đấu của nhà xuất bản, của mỗi biên tập viên đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về thể loại, đề tài, chất lượng nội dung phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Đánh giá của các chuyên gia cũng cho thấy mặc dù ngành xuất bản đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Số lượng xuất bản phẩm phong phú, đa dạng, nhưng chưa được tinh lọc một cách cần thiết. Nhiều lĩnh vực vẫn thiếu vắng các công trình có giá trị đỉnh cao. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại không ít sách có chất lượng trung bình, hàm lượng tri thức và thông tin thấp.
Mặc dù số lượng sai sót trong xuất bản đã giảm qua từng năm và trong những năm gần đây không còn tình trạng sai phạm về chính trị, tư tưởng, nhưng các lỗi chi tiết vẫn khá phổ biến. Thậm chí, có những sai sót lặp lại và chậm được khắc phục. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực xuất bản và công nghiệp nội dung vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
Bà Ngô Thu Phương - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học, thì cho rằng, nguồn nhân lực biên tập viên có trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng là nhiệm vụ trọng yếu đối với mỗi nhà xuất bản. Bởi chính lực lượng biên tập viên giữ vai trò quan trọng, là “bà đỡ” cho các xuất bản phẩm, đảm bảo nội dung tư tưởng từng ấn phẩm, tạo nên thương hiệu của nhà xuất bản.
“Công nghiệp cách mạng 4.0 đem lại cơ hội cho sự ra đời xuất bản phẩm điện tử, in ấn được số hóa trên nền tảng công nghệ mới. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra những yêu cầu nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên, người lao động tại các đơn vị xuất bản”, bà Phương nói.
Cùng quan điểm, TS Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông nhận định: Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở ra rất nhiều công cụ mới trong việc chống vi phạm bản quyền. Các đơn vị xuất bản của Việt Nam cần đẩy nhanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các xuất bản phẩm của mình, tạo ra môi trường sáng tạo lành mạnh. Chuyển đổi số không chỉ giúp ngành xuất bản bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi để quản lý, theo dõi và nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
Ở một góc nhìn khác, đề xuất giải pháp về sách điện tử cho nhà xuất bản, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục Nguyễn Thành Nam cho rằng, các nhà xuất bản cần đầu tư hạ tầng và công nghệ; có lộ trình rõ ràng chuyển đổi số sách giấy sang điện tử, ưu tiên sách cho chương trình giáo dục phổ thông; tập trung nâng cao trải nghiệm độc giả…
Phạm Sỹ