Bom hạt nhân. Ảnh: Wikipedia
Báo cáo của Ủy ban Quốc hội về Tư thế chiến lược của Mỹ nhận định rằng, trước xu hướng đe dọa hiện nay, nước Mỹ sẽ sớm đối mặt với một bối cảnh toàn cầu hoàn toàn khác biệt, khi có hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân tương đương Mỹ là Nga và Trung Quốc. Do đó, quy mô và cấu trúc của lực lượng hạt nhân phải tính đến khả năng xảy ra cuộc tấn công kết hợp từ Nga và Trung Quốc.
Báo cáo nhấn mạnh rằng một cuộc xung đột mới với một trong hai hoặc cả hai quốc gia này có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân và cần phải được ngăn chặn.
Báo cáo cho rằng các kế hoạch hiện tại nhằm hiện đại hóa lực lượng hạt nhân quốc gia là cần thiết nhưng không đủ, khi Trung Quốc và Nga ngày càng có khả năng đe dọa Mỹ bằng kho vũ khí hạt nhân của họ. Báo cáo nêu rõ nhu cầu gia tăng lực lượng hạt nhân chiến lược trong môi trường này.
Ông Marshall Billingslea, một chuyên gia cấp cao tại Viện Hudson (Mỹ) và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết yếu tố then chốt trong các quyết định của ủy ban là tốc độ phát triển nhanh chóng của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc.
Ông Billingslea chia sẻ trong buổi nói chuyện ngày 30/11 tại Quỹ Heritage rằng, Trung Quốc đang trên đà ngang bằng hoặc có thể vượt qua số lượng vũ khí hạt nhân mà Mỹ hiện có.
Những bình luận của ông Billingslea dựa trên Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc của Lầu năm góc, trong đó dự đoán rằng Trung Quốc hiện có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân và có thể sẽ vượt mức 1.000 vào năm 2030.
Do quy mô và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, ông Billingslea cho rằng Mỹ không thể dựa vào các biện pháp kinh tế để kiềm chế Trung Quốc mở rộng hạt nhân.
Vì vậy, ủy ban này khuyến nghị Mỹ nên gia tăng số lượng tên lửa tầm ngắn và tầm trung, đồng thời đầu tư vào công nghệ siêu vượt âm để triển khai cả vũ khí hạt nhân và thông thường. Ủy ban này cũng cho rằng Mỹ cần có một chương trình hiện đại hóa vượt xa so với kế hoạch dự trù từ năm 2010.
Cùng quan điểm, bà Rebeccah Heinrichs, chuyên gia tại Viện Hudson và đồng tác giả báo cáo, nhấn mạnh rằng tư thế mới này là cần thiết để đối phó với sự hợp tác toàn diện chưa từng có giữa Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, việc thuyết phục Quốc hội Mỹ tăng ngân sách cho vũ khí hạt nhân có thể không dễ dàng, trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng của chính quyền Tổng thống Joe Biden đạt mức kỷ lục và mối lo ngại về lợi ích từ chiến tranh ngày càng lớn.
Ngoài ra, mối quan hệ tài chính gần gũi của Viện Hudson với các tập đoàn quốc phòng có thể làm giảm uy tín của báo cáo này đối với một số thành viên Quốc hội. Theo báo cáo tài chính của Viện Hudson, các nhà thầu quốc phòng đã tài trợ cho tổ chức này hơn nửa triệu USD trong năm ngoái.
Quyết định về việc có triển khai thêm vũ khí hạt nhân hay không cuối cùng sẽ được giao cho chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới. Ông Trump đã bật đèn xanh cho tất cả các chương trình vũ khí hạt nhân lớn được thừa hưởng từ chính quyền ông Barack Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần lập luận rằng Nga chưa bao giờ từ chối đối thoại về ổn định chiến lược.
Nga và Mỹ đã ký Hiệp ước về các biện pháp cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược trong tương lai (New START) vào năm 2010, trong đó giới hạn kho vũ khí tấn công chiến lược. Chính quyền Tổng thống Biden liên tục tuyên bố mong muốn gia hạn hiệp ước mà sẽ hết hạn vào tháng 2/2026.
Nga đã đình chỉ tham gia New START vào tháng 2/2023 nhưng không rút lui hoàn toàn, với lý do muốn làm rõ cách thức hiệp ước này sẽ giải trình về vũ khí hạt nhân của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Việt Dũng/Báo Tin tức (Spunik, Wsj)