Xuất hiện nhiều điểm lún, hố 'tử thần' ở Bắc Kạn

Xuất hiện nhiều điểm lún, hố 'tử thần' ở Bắc Kạn
một ngày trướcBài gốc
Hố "tử thần" lớn xuất hiện vào sáng 29/3, tại Km80+050 thuộc quốc lộ 3B, đoạn đi qua thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Sau 6 ngày miệng hố đã có đường kính gần 10m, sâu hơn 8m, lực lượng chức năng đã đổ hơn 200m3 đá xuống để lấp hố "tử thần" nhưng sau một đêm đều bị trôi tuột.
Anh Trần Văn Toàn (xã Kim Lư, huyện Na Rì) sống gần miệng hố "tử thần" nơm nớp lo âu. Anh kể, sáng 29/3, đang ngồi trong nhà, nghe tiếng hàng xóm nhốn nháo ngoài đường, anh vội vàng chạy ra và bất ngờ khi thấy trước mặt là một hố "tử thần" nằm giữa dải phân cách.
"Tôi ở trong nhà không biết diễn biến trước khi xuất hiện hố "tử thần". Hàng xóm kể lại có nghe tiếng bụp rất mạnh. Một lúc sau, mọi người chạy ra đã nhìn thấy hố tròn giữa đường, miệng hố rộng, bên dưới rất sâu", anh Trần Văn Toàn nói thêm. Theo nhân chứng này, ban đầu miệng hố chỉ khoảng vài mét, sau vài ngày đã mở rộng ra, choán gần hết 2 làn đường.
Anh Chu Văn Thường - sống cách hố "tử thần" 300m bày tỏ sự bất an khi đất, đá được dùng để lấp hố đều bị cuốn trôi. "Đá được đổ xuống để lấp hố nhưng mãi vẫn không phủ được hàm ếch, bị hút xuống dưới. Bên dưới hố có nước và đá kèm hang hốc", anh Thường nói.
Có nhà cách hố "tử thần" khoảng 60m, anh Triệu Văn Ninh (SN 1980, thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) lo lắng cho biết: Sau khi xuất hiện hố "tử thần" gia đình tôi xuất hiện nhiều vết nứt, giờ tôi không dám ngủ ở nhà, phải đi ở nhờ nhà người thân. Tôi sợ rằng nếu miệng hố tiếp tục kéo đất sụp xuống, sẽ có một ngày cả căn nhà kiên cố của gia đình cũng bị ảnh hưởng, thậm chí đổ sập.
Ngay trên tuyến đường, cách khu vực hố lún khoảng 300m cũng đang xuất hiện tình trạng bị sụt lún, nhiều người dân sợ hãi không dám đi qua. Anh Chu Văn Cường (SN 1977, thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư) cho biết: Hiện quanh khu vực hố đã xuất hiện nhiều điểm lún khác nhau, trong đó có điểm lún ngay trên mặt đường đang có nguy cơ sụp xuống bất cứ lúc nào.
Một điểm lún cách đó 300m, trên một ruộng trồng ngô của người dân. Điểm này đã được cơ quan chức năng căng dây cảnh báo.
Hai hố "tử thần" khác nằm cạnh nhau trên một ruộng lúa của người dân. Theo người dân nơi đây, hai hố này bị sụt lún đầu tiên, sau đó là hố giữa đường và các điểm lún khác.
Ngày 3/4, ông Lương Thanh Lộc, Phó chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, hiện nay cách vị trí sụt lún ban đầu khoảng vài trăm mét, mặt đường có dấu hiệu bất thường, bị sụt lún nhẹ."Hiện tại, cơ quan chức năng đã khoanh vùng, cảnh báo nguy hiểm. Theo đánh giá ban đầu, khu vực này sụt lún nhẹ do nhiều xe tải trọng tải lớn vận chuyển đất đá san lấp hố sụt lún", ông Lộc cho biết. Theo ông Lộc, có khoảng 21 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hố sụt lún. Huyện đã lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn nếu ảnh hưởng tính mạng và tài sản. "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn phương án, trong trường hợp cấp bách sẽ đưa người dân đến nơi an toàn", ông Lộc khẳng định.
Ông Phùng Đức Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý, Bảo trì công trình đường bộ Bắc Kạn, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn cho biết, để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là dân sinh sống gần khu vực sụt lún, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị UBND huyện Na Rì chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân không đi lại, chăn thả gia súc vào gần khu vực sụt lún, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản; theo dõi và tuyên truyền cho người dân sống gần khu vực sụt lún; nếu hố lún tiếp tục phát triển và mở rộng thêm, mất an toàn cho người dân sống trong khu vực, phải có phương án di dời người dân.
Do hố lún diễn biến phức tạp, tiếp tục phát triển, mở rộng thêm, khó đánh giá chuẩn xác nguyên nhân và để xử lý triệt để, hạn chế hư hỏng kết cấu công trình, Sở Xây dựng Bắc Kạn đã báo cáo sự việc và đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra thực tế hiện trường, cho giải pháp xử lý khắc phục.
Được biết, quốc lộ 3B là tuyến đường dài 200km, nối giữa 3 tỉnh Lạng Sơn - Bắc Kạn - Tuyên Quang.
Nhị Tiến
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/xuat-hien-nhieu-diem-lun-ho-tu-than-o-bac-kan-192250403203522265.htm