Xuất hiện tín hiệu mạnh trở lại của carry-trade yên Nhật

Xuất hiện tín hiệu mạnh trở lại của carry-trade yên Nhật
một ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa: Bloomberg
Theo phân tích của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội giao dịch hợp đồng tương lai tài chính Nhật Bản (FFAJ), Tokyo Financial Exchange Inc. và Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Nhật, các quỹ tương hỗ sử dụng đòn bẩy và công ty quản lý quỹ nước ngoài ước tính đã rót khoảng 13,5 tỷ USD vào giao dịch carry-trade yên Nhật trong tháng 11. Con số này tăng đáng kể so với mức 9,74 tỷ USD trong tháng 10.
ĐỘNG LỰC CHO CARRY-TRADE YÊN VẪN RẤT LỚN
Bloomberg dự báo lượng tiền đổ vào loại hình giao dịch này sẽ tăng mạnh trong năm tới trong bối cảnh chênh lệch lãi suất vẫn lớn, vay nợ của chính phủ Mỹ tăng lên và biến động thấp trên thị trường tiền tệ. Những điều kiện này khiến cho việc vay tiền ở Nhật để đầu tư ở các thị trường lợi suất cao hơn trên thế giới trở nên hấp dẫn.
“Chênh lệch lãi suất lớn khiến đồng luôn được coi là đồng tiền cấp vốn (funding currency). Lý do chính khiến đồng tiền này không được sử dụng như một đồng tiền cấp vốn trong giao dịch carry-trade chỉ có thể là vì sự biến động thôi”, ông Alvin Tan, giám đốc chiến lược về ngoại hối Châu Á tại Royal Bank of Canada ở Singapore, nhận xét.
Các chiến lược gia của Mizuho Securities Co. và Saxo Markets dự báo giao dịch carry-trade yên có thể trở lại các mức đỉnh ghi nhận hồi đầu năm – thời điểm trước khi các nhà đầu tư bất ngờ ồ ạt tháo chạy khỏi loại hình giao dịch này sau động thái tăng lãi suất hồi tháng 7 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Theo các nhà phân tích, sự phổ biến trở lại của carry-trade yên Nhật có thể tác động lớn tới các thị trường tài chính toàn cầu. Sự thoái trào của loại hình này vào đầu tháng 8 đã “thổi bay” khoảng 6,4 nghìn tỷ USD vốn hóa khỏi các thị trường cổ phiếu toàn cầu chỉ trong ba tuần. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật cũng chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987.
Ở thời điểm hiện tại, lãi suất thấp ở Nhật là một động lực quan trọng cho carry-trade yên. Lãi suất bình quân tại nhóm 10 nền kinh tế phát triển G10 và các nền kinh tế mới nổi là hơn 6%. Tuy nhiên, với việc BOJ duy trì mức lãi suất cơ bản chỉ 0,25% khiến việc vay tiền bằng yên gần như không phải chịu lãi.
"Dù BOJ đang tăng dần lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa Nhật và các nền kinh tế lớn như Mỹ vẫn tương đối lớn. Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất hai lần về ngưỡng 4,5%-4,75% và kể cả khi BOJ tăng lãi suất lên khoảng 1%, động lực cho carry-trade yên vẫn rất lớn", nhà phân tích ngoại hối Felix Ryan của Australia & New Zealand Banking Group Ltd, nhận xét.
Chiến lược đầu tư này vẫn hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Kể từ cuối năm 2021, carry-trade yên để đầu tư vào các thị trường G10 và các nền kinh tế mới nổi đã mang về lợi nhuận 45%, so với lợi nhuận 32% của chỉ số S&P 500 trong cùng giai đoạn.
“Các đợt tăng lãi suất của BOJ có lẽ không đủ để thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa Nhật và Mỹ”, chiến lược gia đầu tư trưởng Charu Chanana của Saxo Markets, nhận xét. “Nợ công và tình hình tài khóa ở Mỹ chắc chắn sẽ là một trong những trọng tâm hàng đầu của chính quyền Trump sắp tới, vẫn còn nhiều dư địa cho carry-trade tăng trưởng”.
ĐỘNG LỰC KHÔNG CÒN LỚN NHƯ TRƯỚC
Thời gian gần đây, đồng USD tăng mạnh do dự báo rằng chính sách tăng thuế quan và giảm thuế trong nước của ông Trump sẽ thúc đẩy cả nền kinh tế lẫn lạm phát và điều này sẽ làm chậm lại tiến trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed.
Nhà đầu tư sẽ có đánh giá rõ ràng hơn về carry-trade yên sau cuộc họp chính sách của BOJ và Fed tháng này. Lập trường thắt chặt chính sách rõ ràng hơn từ ông Ueda và nới lỏng chính sách rõ ràng hơn từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, cũng như bất kỳ tín hiệu nào từ các dữ liệu kinh tế quan trọng đều có thể hút các nhà đầu tư carry-trade trở lại.
“Tốc độ tăng lãi suất của BOJ có thể sẽ chậm lại và việc Fed cũng có thể hạ lãi suất chậm rãi hơn. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa Nhật và Mỹ sẽ vẫn đủ hấp dẫn với nhà đầu tư carry-trade”, Shoki Omori, chiến lược gia trưởng về thị trường Nhật Bản tại Mizuho Securities, nhận định. “Nếu Bộ Tài chính không có động thái gì, nhà đầu tư sẽ cảm thấy rằng không có lý do gì để đứng ngoài loại hình đầu tư này”.
Tuy vậy, theo một số nhà phân tích, việc chênh lệch lãi suất giữa Nhật và Mỹ có xu hướng thu hẹp có thể làm giảm động lực cho carry-trade yên trong năm 2025, đặc biệt là sau khi Thống đốc BOJ Kazuo Ueda để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong tháng này.
Yên Nhật là một trong những đồng tiền giảm mạnh nhất trong nhóm tiền tệ thuộc G10, do các vấn đề mang tính cấu trúc như dòng vốn lớn tiếp tục chảy khỏi Nhật gây áp lực lên đồng nội tệ. Dù đã tăng lên mức 140 yên đổi 1 USD vài tháng trước trong cơn thoái trào của carry-trade yên, đồng tiền này đã giảm trở lại mức khoảng 150 yên đổi 1 USD.
“Dù carry-trade bắt đầu nhận được xung lực trở lại, nhưng chắc chắn nhà đầu tư không còn sự tự tin vào loại hình giao dịch này như thời điểm mùa xuân vừa rồi”, bà Jane Foley, giám đốc chiến lược ngoại hối tại Rabobank, nhận định.
Hoài Thu
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/xuat-hien-tin-hieu-manh-tro-lai-cua-carry-trade-yen-nhat.htm