Ảnh: Cục An toàn thông tin
Theo Cục An toàn thông tin, lừa đảo thông qua tin nhắn email nhằm chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân thông qua phần mềm điều khiển từ xa.
Đối tượng xấu tạo lập tin nhắn email giả mạo, sử dụng logo và giao diện giống với cảnh báo thông thường của Windows.
Khi nạn nhân truy cập vào tin nhắn, một thông báo dạng pop-ups sẽ xuất hiện, với nội dung quyền truy cập vào thiết bị của nạn nhân tạm thời bị gián đoạn bởi các lý do an ninh.
Thông báo cũng đi kèm một đoạn tin nhắn thoại lặp lại và tiếng còi cảnh báo, đồng thời yêu cầu nạn nhân nhanh chóng liên hệ số điện thoại gửi kèm theo.
Sau khi gọi điện, đối tượng sẽ giả danh là nhân viên kỹ thuật của Windows, hướng dẫn nạn nhân tải phần mềm UltraViewer (phần mềm điều khiển thiết bị từ xa) để kiểm tra máy tính của nạn nhân. Sau khi nạn nhân cấp quyền truy cập, các đối tượng sẽ rà soát và đánh cắp những dữ liệu quan trọng có sẵn trên thiết bị.
Trước diễn biến của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn email với nội dung thông báo khẩn.
Người dân cần cẩn trọng xác minh thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống của Windows. Tuyệt đối không liên hệ lại bằng các phương thức được cung cấp trong thông báo, không tải về bất kỳ phần mềm và ứng dụng nào (ngay cả khi chúng hợp lệ).
Người dân cũng nên sử dụng các phần mềm bảo mật uy tín, bật hệ thống tường lửa của máy tính để sớm phát hiện và cảnh báo các mối nguy hại tiềm ẩn. Khi gặp dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Thanh Hà