Năm 2024, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Nhiều mặt hàng liên tiếp lập đỉnh mới
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vui mừng cho biết năm 2024, lần đầu tiên ngành rau quả Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch kỉ lục là 7,1 tỉ USD, tăng khoảng 27% so với năm trước.
Thành quả này đến từ nhiều lý do, trong đó nổi bật nhất là sự tăng trưởng của xuất khẩu sầu riêng. “Nếu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt 2,3 tỉ USD thì năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỉ USD” - ông Nguyên nói.
Cùng với sầu riêng, mặt hàng chuối cũng tăng trưởng mạnh. Hiện Việt Nam đang đứng thứ nhất về xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, một số sản phẩm khác như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi… đã mở cửa thêm một số thị trường mới.
Theo Bộ NN&PTNT, giai đoạn từ 2015 đến nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng tích cực, thặng dư thương mại cơ bản đều tăng qua từng năm.
Năm 2015 nông lâm thủy sản xuất siêu 8,17 tỉ USD. Bước sang năm 2016, con số này tăng lên 8,84 tỉ USD và tăng lên 9,96 tỉ USD năm 2017.
Sau hai năm sụt giảm và tăng trưởng chậm lại, năm 2020 xuất siêu nông lâm thủy sản đạt mốc hai con số với 10,89 tỉ USD. Đáng chú ý, năm 2023 thặng dư thương mại đạt 12,19 tỉ USD tăng 45,1%. Năm 2024 đạt 17,9 tỉ USD, tăng 46,8%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một gian hàng nông sản. Ảnh: TÙNG ĐINH
Trong ngành hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2024, kết quả xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam đã quay trở lại với hai con số. “Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỉ USD. Trong đó, đáng chú ý là ngành hàng tôm với 4 tỉ USD; cá tra 2 tỉ USD; các mặt hàng khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, các loại nhuyễn thể khoảng 4 tỉ USD” - ông Nam cho biết.
Ngoài rau quả, thủy sản, Bộ NN&PTNT cũng cho hay năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu đạt mốc gần 9,2 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt hơn 5,7 tỉ USD, lập kỷ lục cả về khối lượng và giá trị.
Ngành cà phê cũng lập kỳ tích khi kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 5 tỉ USD trong lịch sử, đạt 5,48 tỉ USD. Với ngành điều, việc vượt mốc 4 tỉ USD cũng ghi nhận một bước tiến mới của ngành sau nhiều năm duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức hơn 3 tỉ USD. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 20,3%, đạt 16,2 tỉ USD…
“Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt mức cao kỷ lục với 62,5 tỉ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Xuất siêu đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỉ USD, tăng 46,8%, chiếm khoảng 71,6% xuất siêu cả nước” - Bộ NN&PTNT báo cáo.
Với lĩnh vực công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Theo đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,7 tỉ USD, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỉ USD, tăng 2,9%. Các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỉ USD, tăng 22%; hàng dệt may đạt 37 tỉ USD, tăng 11,2%; giày dép các loại đạt 22,9 tỉ USD, tăng 13%; sắt thép đạt 9,3 tỉ USD, tăng 11,8%...
“Hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỉ USD, ước đạt 783 tỉ USD.
Trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỉ USD, vượt xa mức 354,7 tỉ USD của cả năm 2023. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao, gần 25 tỉ USD, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á” - Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay.
Nâng cao chất lượng, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới
Bước sang năm 2025, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá tình hình thế giới sẽ có những diễn biến rất phức tạp, bất ngờ, khó đoán định. Trong bối cảnh dự báo một số nước có chính quyền mới có thể điều chỉnh chính sách, cùng đó là những xu hướng về bảo hộ thương mại sẽ ngày càng gia tăng, các xu hướng về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… sẽ gây áp lực không nhỏ tới xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin hiện nay các nước đang siết mạnh về chất lượng rau quả nhập khẩu. Do vậy, để có thể cạnh tranh và đảm bảo sự tăng trưởng, các doanh nghiệp, người nông dân sản xuất cần đặc biệt chú ý đến vấn đề kiểm soát chất lượng, coi đó là khâu then chốt.
Sơ chế dừa tươi trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. Ảnh: AH
Vừa qua, sầu riêng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Do đó, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho hay trong 6 tháng tới, nếu mặt hàng sầu riêng tiếp tục vi phạm, EU có thể nâng tần suất kiểm tra lên 30 hoặc 50%, thậm chí chuyển sang phụ lục II (yêu cầu phải có giấy chứng nhận, kết quả phân tích dư lượng và chịu tần suất kiểm tra 5% - 10% - 20% - 30% - 50%).
Do vậy, ông Nam khuyến cáo người nông dân trong quá trình sản xuất, canh tác cần tuân thủ và cập nhật đúng các quy định của EU về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chú ý kiểm soát chất lượng sầu riêng trước khi nhập khẩu, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. Nếu tuân thủ các quy định của EU, không có các vi phạm thì có thể được EU giảm tần suất kiểm tra hoặc dỡ bỏ các điều kiện kiểm soát.
“Không riêng gì thị trường EU, hầu hết các thị trường đều đưa ra cảnh báo dù chỉ một lô hàng vi phạm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhận thức một cách sâu sắc rằng chỉ cần bị tuýt còi một lần là sẽ kéo theo tất cả doanh nghiệp khác trong ngành chịu mức kiểm soát tăng cường ở cửa khẩu. Những công đoạn này chắc chắn sẽ gây tốn kém chi phí lên nhiều lần cho doanh nghiệp" - ông Nam nhấn mạnh.
Từ phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Đồng thời, Bộ cũng tích cực triển khai đa dạng các hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã thực thi để tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định.
Bộ Công Thương cũng tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc…
Tiếp tục khai mở thị trường mới
Năm 2024, Việt Nam khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục - 16 tháng.
Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-Rập, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với UAE. Hiệp định có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo tiếng vang, mở cánh cửa lớn triển vọng trong ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các nước Trung Đông – Châu Phi thời gian tới, trước mắt là các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Quatar...
Bên cạnh đó, phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
AN HIỀN