Xuất khẩu bứt phá ngoạn mục

Xuất khẩu bứt phá ngoạn mục
2 ngày trướcBài gốc
Xuất khẩu lập kỷ lục mới
Năm 2024, XK của Việt Nam dồn dập đón tin vui trong bối cảnh thị trường chung gặp nhiều khó khăn. Lần đầu tiên XK nông sản vượt mức 60 tỷ USD (ước đạt 62,7 tỷ USD năm 2024), tăng hơn 18% so năm 2023. Cùng với đó, các nhóm hàng XK chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,7 tỷ USD, tăng 25%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỷ USD, tăng 22%; hàng dệt may đạt 37 tỷ USD, tăng 11,2%; giày, dép các loại đạt 22,9 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%; sắt thép đạt 9,3 tỷ USD, tăng 11,8%...
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam chi nhánh Thái Bình. Ảnh: TRỊNH DUẨN
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2024, các doanh nghiệp đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh XK, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, ước đạt 783 tỷ USD; trong đó XK ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD, vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch XK hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch XK.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch XK chung của cả nước (chiếm gần 85%).
Đáng chú ý, hoạt động xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả cam kết mở cửa thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng trưởng XK của Việt Nam với hầu hết thị trường đã ký FTA đều tăng. XK sang Hoa Kỳ - thị trường XK lớn nhất của Việt Nam ước đạt 119,7 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch XK, tăng tới 23,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 11,3%); XK sang thị trường EU ước đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3% (năm 2023 giảm 6,8%); XK sang khu vực thị trường ASEAN tăng 13,6%; XK sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6% (năm 2023 giảm 3,4%); XK sang thị trường Nhật Bản ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5% (năm 2023 giảm 3,7%).
Đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy, năng lực sản xuất và XK của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng XK của khu vực kinh tế trong nước (18,9%) cao hơn so với khu vực FDI (11,6%); đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch XK cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,9% so với 26,9%). Cùng với đó, hoạt động nhập khẩu được bảo đảm với cơ cấu phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, XK và tiêu dùng. Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu tiếp tục chiếm tỷ trọng cao (gần 89%). Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế cũng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới.
Mục tiêu cao, nỗ lực lớn
Năm 2025, để đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao là 8%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu XK tăng 12% so với năm 2024. Đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% là rất thách thức, vì như vậy trung bình mỗi tháng XK phải tăng 4 tỷ USD so với mức bình quân tháng năm 2024.
Nêu một số tác động tới hoạt động XK năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng; xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn; các thị trường phát triển như EU đưa ra yêu cầu mới về phát triển bền vững...
Nỗ lực giữ vững đà tăng trưởng của ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2025, tập đoàn tập trung đẩy nhanh tốc độ đổi mới phương thức quản trị; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thị trường ngách, tạo những giá trị riêng ngoài sản xuất hàng dệt may thông thường; ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo để giảm sự phụ thuộc vào lao động, đưa giá trị của một người lao động trong ngành dệt may theo kịp bước tiến của kinh tế cả nước.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường XK để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
KHÁNH AN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-khau-but-pha-ngoan-muc-810079