Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 139 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng tiêu thụ cá ngừ tươi, đông lạnh và khô tiếp tục khởi sắc, với giá trị xuất khẩu tăng 23%. Ngược lại, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lại có dấu hiệu suy giảm, giảm 9% so với cùng kỳ.
Nguồn: Vasep
Trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng, ngoại trừ Italy, Israel và Mexico. Đáng chú ý, các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Canada và Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng mạnh, tạo động lực cho toàn ngành.
Dù xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng ngành vẫn phải đối mặt với không ít thách thức từ các thị trường nhập khẩu chủ chốt, đặc biệt là Mỹ và EU.
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Nghị định 37/2024/NĐ-CP yêu cầu cá ngừ vằn xuất khẩu phải đạt kích thước tối thiểu 0,5m, điều này khiến doanh nghiệp và ngư dân gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu phù hợp. Bên cạnh đó, các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp cũng chịu áp lực lớn từ quy định này, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Tại thị trường Mỹ, Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển (MMPA) tiếp tục siết chặt các yêu cầu đối với hải sản nhập khẩu. Các nước xuất khẩu phải chứng minh rằng quy trình đánh bắt không gây hại đến động vật biển và tuân thủ các tiêu chuẩn tương tự Mỹ. Gần đây, Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) đã đưa ra phán quyết sơ bộ rằng Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn tương đương. Nếu tình hình không cải thiện, từ ngày 1/1/2026, nhiều mặt hàng hải sản của Việt Nam, bao gồm cá ngừ, có nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ.
Không chỉ vậy, Mỹ còn lên kế hoạch mở rộng Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP), yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp nhiều thông tin hơn về sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí tuân thủ, gây áp lực lên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Mỹ hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Nếu các quy định từ MMPA và SIMP không được đáp ứng kịp thời, không chỉ kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng mà còn có thể tác động đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Để thích ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe, ngành cá ngừ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, ngư dân và cơ quan quản lý. Việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực giám sát đánh bắt và hỗ trợ ngư dân đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là chìa khóa giúp ngành cá ngừ vượt qua thách thức, duy trì tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
A.Vũ