Xuất khẩu cà phê gặt hái những 'trái ngọt'

Xuất khẩu cà phê gặt hái những 'trái ngọt'
7 giờ trướcBài gốc
Xuất khẩu cà phê liên tiếp đón những tín hiệu vui. Ảnh: M.Hoa.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong nửa đầu năm 2025, tổng khối lượng xuất khẩu cà phê ước đạt 953,9 nghìn tấn và thu về 5,45 tỷ USD. Đây là con số cho thấy một sự tăng trưởng vượt trội về giá trị (67,5%) so với cùng kỳ năm 2024, dù khối lượng chỉ tăng 5,3%.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNMT Phùng Đức Tiến, mục tiêu kế hoạch xuất khẩu cà phê cho cả năm 2025 ban đầu chỉ dự kiến đạt 5,5 tỷ USD. Như vậy, ngành cà phê đã gần như đạt được mục tiêu của cả năm chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, lãnh đạo Bộ NNMT tin tưởng, ngành hàng cà phê cầm chắc kim ngạch 7,5 tỷ USD cho cả năm 2025, một mức tăng ấn tượng 36,9% so với cùng kỳ năm 2024. Sự bứt phá này chủ yếu nhờ vào việc giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng tới 59,1%, đạt mức 5.708,3 USD/tấn.
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, thành công của cà phê Việt Nam được thể hiện rõ ở việc, nhiều thị trường khó tính đã có sự hiện diện của các sản phẩm cà phê nước nhà, trong đó phải kể đến Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với sự góp mặt của Đức (chiếm 16,3%), Italia (7,9%) và Tây Ban Nha (7,4%).
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu cà phê sang Đức tăng gấp 2,2 lần, sang Italia tăng 45,1% và Tây Ban Nha tăng 55,8% so với cùng kỳ năm trước. Một lợi thế cạnh tranh quan trọng cho cà phê Việt tại thị trường EU là việc EU xếp Việt Nam vào nhóm "rủi ro thấp" về phá rừng theo Quy định chống mất rừng (EUDR). Điều này giúp giảm tần suất kiểm tra lô hàng xuất khẩu xuống chỉ còn 1%, thay vì 3% hoặc 9% đối với các nhóm rủi ro cao hơn.
Dù vậy, theo khuyến cáo của giới chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về dữ liệu đầy đủ và khả năng chia sẻ thông tin truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EU để đảm bảo xuất khẩu hàng hóa được suôn sẻ sang EU từ ngày 1/1/2026.
Ngoài các thị trường lớn, Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng ở các thị trường mới nổi và tiềm năng. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, Mexico ghi nhận mức tăng giá trị xuất khẩu cà phê mạnh nhất với 71,6 lần, trong khi Trung Quốc cũng tăng tới 22,9%. Theo Bộ NNMT, EU đang tìm cách mở rộng hợp tác tại châu Á và Trung Đông, tạo thêm cơ hội cho cà phê Việt Nam. Ngoài ra, ngành cà phê có thể chuyển hướng tập trung vào khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), vốn là những thị trường tiêu thụ mạnh cà phê Robusta Việt Nam. Ấn Độ cũng được xem là thị trường tiềm năng nhờ giá thành và chi phí vận chuyển rẻ.
Những thành quả mà ngành cà phê nước nhà đạt được cho thấy nỗ lực vượt khó của các DN xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, Bộ NNMT cũng đưa ra những lưu ý về tính mùa vụ. Theo Bộ NNMT, sản lượng lớn nhất thường vào vụ thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nên khả năng xuất khẩu các tháng cuối năm có thể không cao bằng những tháng đầu năm. Để đạt mục tiêu 7,5 tỷ USD cho cả năm, ngành cà phê cần thu về thêm 2 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm. Với những nỗ lực của các DN trong việc đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu cũng như tận dụng lợi thế cạnh tranh, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục gặp hái những “trái ngọt”, khẳng định vị thế dẫn đầu trên trường quốc tế.
T.Xuân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/xuat-khau-ca-phe-gat-hai-nhung-trai-ngot-10309604.html