Thị trường Mỹ có thể vẫn hấp thụ được cá tra dù thuế cao
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam cho biết xuất khẩu cá tra trong tháng 5 tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái đạt189 triệu USD. Kết quả này đã, nâng kim ngạch mặt hàng này trong 5 tháng lên 829 triệu USD, tăng 11%.
Nguồn: Hải quan Việt Nam, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)
Trong số các thị trường tiêu thụ cá tra chính của Việt Nam, Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 5 đạt 41 triệu USD, tăng 35% so với tháng 5/2024. Tổng xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2025 sang Mỹ đạt 142 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc).
Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 5 ghi nhận mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái doanh thu ở mảng kinh doanh này lên 688 tỷ đồng. Mỹ là thị trường đóng góp nhiều doanh thu nhất cho doanh nghiệp này với 433 tỷ đồng, tăng 17% so với tháng 5/2024. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang tận dụng thời gian 90 ngày hoãn thuế để tranh thủ xuất hàng sang thị trường này.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cho biết doanh nghiệp không bi quan mà vẫn khá lạc quan về xuất khẩu sản phẩm chủ lực cá tra sang thị trường Mỹ.
"Đơn hàng trong quý II cũng không khó đoán, khi các doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng đi Mỹ trong thời gian hoãn thuế 90 ngày", bà nói. Bà nói thêm, trước khi ông Trump công bố thuế đối ứng, mức tồn kho của các các doanh nghiệp nhập khẩu ở mức thấp.
Vĩnh Hoàn khẳng định xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng 9-10% trong năm nay, điều này là nhờ các loại cá thịt trắng khác suy giảm. Cá tra đang chiếm thêm thị phần cá minh thái do lệnh cấm đối với Nga, hay cá tuyết ở phân khúc cao hơn và bị hạn chế đánh bắt.
Lãnh đạo công ty cho biết thêm vẫn lạc quan về việc thực hiện tốt hơn kế hoạch, phụ thuộc khả năng chấp nhận của người tiêu dùng Mỹ với mức giá cao hơn và phụ thuộc sức mạnh nền kinh tế. Các khách hàng Mỹ vẫn có sức tiêu thụ tốt, mong muốn công ty nuôi cá lớn nhanh để tăng xuất khẩu.
Chủ tịch Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh nhận định ”Kịch bản xấu nhất áp thuế 46% thì người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận, đương nhiên cần có thời gian để nhà nhập khẩu quân bình giá nhằm giữ thị trường. Theo quy luật cần thời gian để người tiêu dùng chấp nhận và điều chỉnh thị trường. Mức thuế dưới 20% thì dễ thở hơn cho việc điều chỉnh này"
VASEP cho biết trong bối cảnh bất định về thuế đối ứng từ phía Mỹ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ trước, không chỉ về mặt kịch bản kinh doanh mà cả về tâm thế thị trường. Mặc dù đối mặt với mức thuế đối ứng, một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tin rằng... người tiêu dùng Mỹ vẫn không quay lưng với cá tra.
Theo đó, khi cộng thử thêm thuế, giá thành sản phẩm vẫn dao động quanh mức 50–60 cent/pound – tức là vẫn thấp hơn nhiều so với các loại cá trắng phổ thông như cá tuyết hay cá minh thái. Thực tế này cho thấy cá tra vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh về giá, một yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ ngày càng thắt chặt chi tiêu hậu đại dịch và lạm phát cao.
Cá tra là một trong số ít các sản phẩm thủy sản vừa có giá hợp lý, vừa có tính linh hoạt trong chế biến, thích hợp với nhiều phân khúc tiêu dùng từ nhà hàng, bếp ăn công nghiệp cho đến kênh bán lẻ gia đình.
“Thực tế, trong quá khứ cá tra từng có giá cao hơn hiện nay, và thị trường Mỹ vẫn tiêu thụ tốt. Điều này cho thấy, nếu chuỗi cung ứng được tổ chức linh hoạt và bài bản, mức giá mới sau thuế hoàn toàn có thể được thị trường hấp thụ”, VASEP cho biết
Một điểm đáng lưu ý là cá tra Việt Nam ngày càng có vị trí vững chắc hơn trên bàn ăn của người Mỹ – không chỉ trong cộng đồng người gốc Á mà cả trong các phân khúc tiêu dùng phổ thông. Theo VASEP, điều này phản ánh mức độ “gắn bó” của cá tra với người tiêu dùng và cho thấy mức giá tăng không phải là rào cản không thể vượt qua.
Bà Khanh khẳng định đến hiện tại không quá bi quan để rút lui ở Mỹ, cá tra vẫn đang phục vụ người tiêu dùng. Câu chuyện này nên để người tiêu dùng Mỹ đấu tranh vì ảnh hưởng đến sức mua và phía nhà nhập khẩu cũng phải đấu tranh giảm thuế.
Một thông tin tích khác đến với ngành cá tra Việt Nam khi giữa tháng 6, Việt Nam có thêm 6 doanh nghiệp nghiệp xuất khẩu được hưởng mức thuế CBPG 0% khi xuất khẩu sang Mỹ trong kỳ rà soát lần thứ 20 (POR20).
Kết quả cuối cùng thuế CBPG cá tra phile của Việt Nam XK vào Mỹ trong POR20 (1/8/2022 - 31/7/2023).
Ngoài ra, Vĩnh Hoàn là công ty duy nhất được rút khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá kể từ đầu năm nay. Nói cách khác, doanh nghiệp này không còn thuộc diện bị rà soát và được hưởng thuế suất 0% theo cơ chế riêng.
Chiến lược đa dạng hóa thị trường và sản phẩm
Mặc dù tác động từ thuế không quá lo ngại, VASEP cho rằng rủi ro vẫn hiện hữu. Sự thiếu chắc chắn về chính sách thương mại của Mỹ – đặc biệt trong nhiệm kỳ của ông Trump – khiến việc xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn gặp nhiều trở ngại. Một trong những vấn đề lớn hiện nay không nằm ở giá hay thuế – mà là sự thận trọng trong việc kiểm soát hàng tồn và quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng.
Khi những cú sốc chính sách xảy ra quá thường xuyên, các nhà nhập khẩu buộc phải tính đến các kịch bản xấu nhất. Điều này có thể khiến lượng hàng giao dịch thực tế thấp hơn nhu cầu thị trường.
Do vậy, theo hiệp hội, chiến lược đa dạng hóa thị trường và sản phẩm (đặc biệt là chế biến sâu, đóng gói sẵn, thị trường ngách) cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong khi Mỹ là thị trường lớn và có sức chi phối lớn đến ngành cá tra, không thể không nhắc đến những điểm sáng khác. Thị trường EU được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng nhẹ nhờ các chính sách tài khóa nới lỏng, lạm phát thấp, và đồng EUR tăng giá. Các yếu tố này đều có thể hỗ trợ sức mua thủy sản nhập khẩu, trong đó có cá tra.
Ngoài ra, việc nhiều quốc gia châu Âu giảm hạn ngạch đánh bắt cá trắng, đặc biệt là cá tuyết, sẽ tiếp tục tạo dư địa cho cá tra thay thế. Người tiêu dùng khu vực này vốn đã quen với việc tiêu thụ cá phile đông lạnh, càng dễ chấp nhận sản phẩm cá tra nếu giá và chất lượng ổn định.
Xuất khẩu cá tra sang EU cũng tiếp tục đón sóng tăng trưởng dương 12%, với giá trị đạt gần 16 triệu USD trong tháng 5. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch hai con số trong tháng 5 như Brazil, Mexico,... Đặc biệt, bán hàng sang Brazil tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 16 triệu USD.
H.Mĩ