Xuất khẩu cá tra tiếp đà tăng trưởng

Xuất khẩu cá tra tiếp đà tăng trưởng
3 giờ trướcBài gốc
Xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng trưởng tích cực. Nguồn: VASEP.
Tín hiệu tích cực từ nhiều thị trường nhập khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) trong quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra. Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP, trong quý III/2024, xuất khẩu cá tra đạt 544 triệu USD, tăng gần 14% so với quý III/2023. Lũy kế 9 tháng 2024, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái…
Về thị trường xuất khẩu cá tra, dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, đại diện VASEP cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2024, hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, Hoa Kỳ đạt 240 triệu USD, tăng 23%; Brazil đạt 81 triệu USD, tăng 26%; Thái Lan đạt 43 triệu USD, tăng 9%. Điểm nổi bật trong xuất khẩu cá tra 9 tháng năm 2024 là nhóm cá tra chế biến, tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng về kim ngạch tăng đột phá 42%; tiếp đến là cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%, cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng nhẹ 4%.
Trong nửa đầu của tháng cuối quý III/2024, Mexico tiếp tục dẫn đầu khối thị trường CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam với giá trị 3 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 30% trong tổng nhập khẩu cá tra của CPTPP từ Việt nam. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang Mexico tính đến ngày 15/9/2024 đạt 55 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng sau Mexico, xuất khẩu cá tra sang Canada đạt 2 triệu USD trong nửa đầu tháng 9/2024, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 15/9/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 28 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ những dữ liệu trên cho thấy, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).
Theo VASEP, với những kỳ vọng về giá xuất khẩu tiếp tục ấm lên, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý IV/2024 vẫn sẽ đạt kết quả khả quan, khi thời điểm này các thị trường đang dần chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp lễ hội cuối năm 2024. Trong đó, đáng chú ý các sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng sẽ tiếp tục bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ ở các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Do đó, việc chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp (DN) không lãng phí tiềm năng, mà còn có cơ hội mở rộng thị phần cho các sản phẩm này.
Nhiều dư địa xuất khẩu cuối năm
Thực tế không riêng mặt hàng cá tra sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, xung đột vũ trang, lạm phát… diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường, tăng tốc và đạt đỉnh vào quý III, khi đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Có được kết quả trên, bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch VASEP cho rằng, những kết quả tích cực của xuất khẩu thủy sản không chỉ nhờ vào sự đa dạng hóa sản phẩm, mà còn đến từ nhu cầu thị trường đang phục hồi và giá cả có xu hướng tăng, đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành.
Với những tín hiệu tích cực này, dự báo năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt gần 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 2 tỷ USD, cá ngừ xấp xỉ 1 tỷ USD, mực, bạch tuộc khoảng 640 triệu USD, còn lại là các mặt hàng cá biển và hải sản khác.
Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá xuất khẩu ở các thị trường tiếp tục tăng là động lực cho DN đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm và năm 2025.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, cơ hội xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm nay là rất lớn, nhất là khi nước ta đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng của Mỹ và các lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 10 tỷ USD trong năm nay, các DN thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Cụ thể, các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, DN cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình để phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho rằng, mặc dù vẫn còn những thách thức về thị trường tuy nhiên cuối năm là thời điểm có nhiều sự kiện, lễ hội nên mức tiêu thụ mặt hàng thủy sản sẽ tăng mạnh. Do đó, với việc bảo đảm chất lượng, sản lượng và khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sớm cán đích mục tiêu gần 10 tỷ USD trong năm nay.
Khanh Lê
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/xuat-khau-ca-tra-tiep-da-tang-truong-10292061.html