Đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 148,5 tỷ USD, ước tăng 12,3% so với năm 2024.
Kết thúc năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan.Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu từ nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tăng trưởng vượt bậc, không chỉ đạt mà còn vượt xa mục tiêu 55 tỷ USD, chạm mốc 62,5 tỷ USD.
Ngành công nghệ cũng chứng kiến sức bật trở lại sau giai đoạn khó khăn của năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu phần cứng và điện tử ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử năm 2024 ước tính đạt 132,341 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm trước, đánh dấu sự khởi sắc trở lại của lĩnh vực này.
TĂNG TRƯỞNG CHỦ YẾU NHỜ CÁC DOANH NGHIỆP FDI
Thế nhưng, cũng cần nhìn nhận rằng, sự bứt phá trong xuất khẩu công nghệ của Việt Nam phần lớn nhờ vào sự hiện diện của các tập đoàn nước ngoài. Những nhà máy sản xuất của các "ông lớn" Hàn Quốc, Mỹ và các quốc gia khác đã đóng vai trò then chốt, giúp Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu công nghệ vượt ngưỡng 100 tỷ USD mỗi năm từ sau 2020.
Theo dữ liệu từ Tổng cục hải quan (Từ 1/1/2024 - 15/12/2024), giá trị xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện của Việt Nam đạt 51,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thành tích này có sự góp công không nhỏ từ các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung, Foxconn hay DBG Technology (một trong những công ty sản xuất điện thoại cho Xiaomi).
Samsung đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của mình tại khu công nghiệp Yên Bình, Phổ Yên, Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD.
Foxconn, một tên tuổi không kém phần quan trọng, đã hiện diện tại Việt Nam từ rất sớm, thậm chí trước cả Samsung. Với khoảng 6 nhà máy hoạt động, tập đoàn này tiếp tục mở rộng quy mô trong năm 2024 bằng việc công bố khoản đầu tư 550 triệu USD để xây dựng thêm hai nhà máy mới tại Quảng Ninh.
MỤC TIÊU KIM NGẠCH XUẤT KHẨU ĐIỆN TỬ VIỆT NAM TRONG NĂM 2025 LÀ 148,5 TỶ USD
Theo dữ liêu của Tổng cục hải quan, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 68,54 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất – 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, điện thoại và linh kiện điện tử đã chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính đến ngày 15/12/2024, vượt xa các ngành hàng khác
Mặc dù có những lo ngại việc Việt Nam có thể gặp khó khăn về thu hút vốn FDI công nghệ do ảnh hưởng từ các chính sách không thể lường trước dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhưng trong bối cảnh căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang và Việt Nam với nền chính trị an ninh ổn định, nhân lực giá rẻ, chắc chắn sẽ tiếp tục là trung tâm sản xuất công nghệ lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 148,5 tỷ USD, ước tăng 12,3% so với năm 2024. Với đà phát triển hiện tại, mục tiêu này được đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Các khoản đầu tư xây dựng nhà máy được các địa phương Việt Nam và đại gia công nghệ ký kết từ những năm trước chuẩn bị hoàn thiện, hứa hẹn sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho ngành xuất khẩu công nghệ của Việt Nam trong những năm tới.
Chẳng hạn, các tên tuổi lớn như Foxconn với khoản đầu tư nửa tỷ đô sẽ đi vào sản xuất kinh doanh chính thức từ tháng 5/2027. Tương tự, nhà máy thứ ba tại Việt Nam của Tập đoàn Pegatron (Đài Loan) nhận tổng vốn đầu tư 500 triệu USD trong giai đoạn 2025 - 2026… Đây là những dự án sẽ tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm xuất khẩu sản phẩm công nghệ trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Nhìn từ góc độ tích cực, sự hiện diện của các nhà sản xuất điện tử nước ngoài đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phụ trợ. Điều này không chỉ góp phần tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới mỗi năm, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện hạ tầng tại các khu vực có dự án đầu tư.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, khi phần lớn kim ngạch xuất khẩu và sự phát triển ngành điện tử dựa vào các tập đoàn quốc tế, sự thiếu vắng vai trò trụ cột từ các doanh nghiệp nội địa có thể khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước những biến động bất ngờ trong môi trường kinh tế hoặc chính trị toàn cầu.
Ngô Huyền