Theo dữ liệu được cơ quan hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5, xuất khẩu của nước này trong tháng 4/2025 tăng 8,1% (tính bằng đồng đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm trước, bỏ xa mức tăng 1,9% mà các chuyên gia dự báo với Reuters.
Nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ giảm 0,2% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế là giảm 5,9%.
Ô tô chờ xuất khẩu qua một cảng ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Theo tính toán của đài CNBC dựa trên dữ liệu hải quan chính thức, các chuyến hàng của Trung Quốc đến Mỹ trong tháng 4 đã giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm gần 14%. Trong tháng 3, các chuyến hàng của Trung Quốc đến Mỹ đã tăng 9,1% khi các nhà xuất khẩu vội vã đặt hàng trước khi đòn thuế mạnh tay của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 2,5% trong khi nhập khẩu giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu chính thức.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực ASEAN trong tháng 4 đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, gần gấp đối mức tăng 11,6% vào tháng 3. Trong khi Việt Nam và Malaysia vẫn là những điểm đến chính của hàng Trung Quốc xuất sang khu vực này, thì Indonesia và Thái Lan ghi nhận các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lần lượt 37% và 28% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 8,3% trong tháng 4, còn nhập khẩu giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3, xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực này đã tăng 10,3% trong tháng 3, còn nhập khẩu đã giảm 7,5%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải trả đũa bằng mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Cho đến nay, cả hai bên đều tìm cách làm giảm tác động kinh tế của mức thuế ba chữ số bằng cách miễn trừ một số sản phẩm quan trọng.
Nhằm ứng phó với tác động của thuế quan lên nền kinh tế, các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế trong những tuần gần đây, trong đó nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, với thước đo về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
Mối lo ngại ngày càng tăng rằng hậu quả từ thuế quan của Mỹ sẽ sớm lan sang thị trường việc làm Trung Quốc. Theo dự báo của Goldman Sachs, thị trường Trung Quốc có thể mất 16 triệu việc làm (hoặc 2% lực lượng lao động) liên quan đến việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất cho thấy rằng việc làm đã giảm trên diện rộng vào tháng 4, khi các nhà sản xuất bắt đầu ngừng sản xuất và cho công nhân nghỉ phép có lương.
Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan chuyển hướng bán hàng cho thị trường trong nước, một động thái có khả năng sẽ làm gia tăng áp lực giảm phát ở nước này.
Trung Quốc dự kiến công bố dữ liệu lạm phát tiêu dùng và bán buôn vào ngày mai 10/5 với khả năng dữ liệu sẽ cho thấy tình trạng giảm phát kéo dài. Theo các nhà kinh tế được Reuters thăm dò, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Trung Quốc có thể sẽ giảm 0,1% so với một năm trước và chỉ số giá sản xuất giảm 2,8%.
Một loạt ngân hàng Phố Wall đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 xuống còn khoảng 4%, với lý do là những tổn thất do thuế quan gây ra; đây sẽ là sự thiếu hụt đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" của Bắc Kinh.
Đông Phong