Để xuất khẩu thực sự hưởng lợi từ chính sách thuế quan mới của Mỹ thời Trump 2.0, chúng ta phải đáp ứng đủ hạ tầng, năng lực sản xuất cũng như khả năng tuân thủ các yêu cầu thương mại của thị trường Mỹ trong dài hạn...
NHỮNG THUẬN LỢI VÀ RỦI RO
Từ nhiệm kỳ đầu tiên (2016-2020), Tổng thống Donald Trump đã đưa ra các biện pháp tăng cường bảo hộ thương mại, quyết định rút khỏi hoặc đàm phán lại các thỏa thuận thương mại được cho là bất lợi đối với Mỹ, tăng hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của một số đối tác thương mại Trung Quốc, Mexico.
Đề xuất tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico có thể khiến cho Hoa Kỳ gia tăng áp lực lạm phát, bởi nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico vào Mỹ chiếm gần 35% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Với nhiệm kỳ thứ hai (2024 - 2028), Tổng thống Trump dự kiến áp mức thuế 10% trên tất cả các mặt hàng nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Ngoài ra, các mức thuế cao hơn lên đến 60% có thể được áp dụng đối với một số quốc gia nhất định như Trung Quốc và Mexico. Tương tự như những gì diễn ra trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thời gian trước, nếu được thực thi, mức thuế này sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản có thể sẽ dịch chuyển thêm các công đoạn sản xuất sang Việt Nam. Đây đều là những đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và đang chiếm khoảng hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp FDI lớn từ các quốc gia này vẫn đang nhập khẩu phần nhiều linh kiện từ các cơ sở sản xuất bên Trung Quốc sang Việt Nam. Trong kịch bản Trump muốn làm chặt hơn vấn đề truy soát xuất xứ, các doanh nghiệp này có thể sẽ phải tiếp tục chuyển bớt các công đoạn sản xuất sang Việt Nam.
Đặc biệt, các tập đoàn đa quốc gia khác cũng có thể tiếp tục chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Căng thẳng từ cuộc chiến thương mại tạo thêm động lực cho các công ty lớn chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm rủi ro. Trào lưu này có thể không mạnh như giai đoạn 2018 - 2022 với các ví dụ điển hình như Apple, Intel, Foxconn, Lego, Sumitomo Wiring Systems... nhưng vẫn là một xu hướng còn tiếp diễn.
Với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là dệt may, có thể gia tăng sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc khi xuất sang Mỹ. Mặc dù Mỹ có thể áp dụng mức thuế suất từ 10% đến 20% lên hàng dệt may Việt Nam, tác động thực tế sẽ không quá đáng ngại so với mức thuế hiện tại (8%-25%). Thậm chí, mức thuế 10 - 20% vẫn còn cạnh tranh hơn nhiều so với mức thuế 60% mà Trung Quốc phải đối mặt – vốn là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố hưởng lợi này sẽ được san đều sang một số nước mạnh về gia công khác.
Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước đây
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng có thể phải đối mặt với một số rủi ro. Đầu tiên phải kể đến là hoạt động của nhóm doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc có thể sẽ chững lại. Điều này xảy ra khi căng thẳng thương mại gia tăng sẽ khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động xuất khẩu sang Mỹ. Một hệ quả khác là dòng vốn FDI giải ngân mới từ Trung Quốc cũng có thể bị hạn chế.
Tiếp đến là Mỹ có thể sẽ áp thuế chống bán phá giá nhiều hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng lớn, đây là một rủi ro khá rõ nét. Hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp trong nước đối với các mặt hàng có dấu hiệu bị hàng Trung Quốc lách xuất xứ có thể bị ảnh hưởng. Song, đây không phải là một yếu tố rủi ro mới và trên thực tế đã dần được phản ánh trong những năm gần đây.
NHÀ NƯỚC CẦN CÓ CÁC CHÍNH SÁCH ỨNG PHÓ HIỆU QUẢ
Theo ThS. Lê Vũ Thanh Tâm - Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, để tối ưu hóa thuận lợi, giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump, tránh tác động nguy hại cho chủ quyền quốc gia, cách tốt nhất là nhà nước tăng cường tính độc lập, cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng. Điều này cần được thực hiện một cách cẩn trọng và quyết liệt thông qua việc kết hợp đa phương hóa tối đa các quan hệ kinh tế bằng con đường đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
ThS. Tâm nêu quan điểm, nhà nước cần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong đó có hoạt động xuất khẩu thông qua việc tăng cường chiều rộng và chiều sâu của công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong hoạt động xuất nhập khẩu. Để thực hiện bước này, Chính phủ cần sửa đổi Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp theo đúng tinh thần của nền kinh tế thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng và nghiêm cấm sự chi phối thị trường của một doanh nghiệp, một quốc gia hay một khối kinh tế.
Các cơ quan hoạch định chính sách đứng đầu là Bộ Công Thương cần theo dõi sát diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là danh mục các hàng hóa bị trừng phạt từ cả hai phía để đưa ra các đối sách thị trường phù hợp cho từng ngành hàng, sản phẩm cùng với các biện pháp hỗ trợ về hàng rào kỹ thuật, thuế quan, kiểm soát chất lượng… Ngoài Mỹ, Trung Quốc, các biện pháp bảo hộ của các nước khác có ảnh hưởng đến Việt Nam cũng cần được theo dõi chặt chẽ. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương và các bên liên quan có thể đề ra các chính sách ứng phó một cách hiệu quả, ThS. Tâm khuyến nghị.
Đặc biệt, theo ThS. Tâm để ổn định tâm lý thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cơ quan quản lý nhà nước mà đại diện là Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cần chú trọng các hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu theo chiều sâu như cung cấp thông tin, tư vấn rộng rãi các vấn đề liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bao gồm các động thái giữa các bên và danh mục hàng hóa bị trừng phạt, biến động tỷ giá… Những thông tin này có ý nghĩa vô cùng quý giá với doanh nghiệp xuất khẩu trong việc chủ động điều chỉnh sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác hay cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong, ngoài nước.
Doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng thị trường sang các khu vực khác
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để giữ vững được các thị trường truyền thống như EU, Đông Âu, khai thác những lĩnh vực còn khả năng phát triển. Mặt khác cũng cần tích cực tìm kiếm thêm các thị trường mới. Bước đầu sẽ là đa phương hóa tối đa quan hệ kinh tế, thương mại thông qua những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời sẽ không để đối tác chi phối được nền kinh tế quốc gia, ThS. Tâm nói.
DOANH NGHIỆP PHẢI ĐA DẠNG HÓA THỊ TRƯỜNG
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ThS. Tâm cho rằng họ phải trang bị tốt kiến thức về bảo hộ thuế quan, chiến tranh thương mại, phòng vệ thương mại Về nhận thức, các doanh nghiệp phải thấy rõ rằng, cạnh tranh thương mại vốn là thuộc tính cố hữu của nền kinh tế thị trường. Vấn đề là nó sẽ xảy ra khi nào ở đâu, với ai… vì thế, các doanh nghiệp cần tránh tâm lý hoang mang, bình tĩnh và chủ động thông tin, quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường. Mặt khác, chiến tranh thương mại cũng có hai mặt, như đã chỉ ra ở trên. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm ra những lợi thế, ít nhất cũng là lợi thế so sánh để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, vượt qua khó khăn. Chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan ra toàn cầu, để không bị bất ngờ và tránh hệ lụy lâu dài.
ThS. Tâm đưa ra quan điểm, dù Mỹ là thị trường quan trọng, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng thị trường sang các khu vực khác như EU, Nhật Bản và ASEAN để giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và tránh rủi ro từ thay đổi chính sách thương mại của Mỹ. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ giúp hàng hóa Việt Nam vượt qua các rào cản phi thuế quan và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh khai thác lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản, Liên minh châu Âu… bởi đây đều là những thị trường quan trọng và tiềm năng với xuất khẩu nước ta, có thể bù đắp vào phần giảm sút, do chiến tranh thương mại gây nên. Hơn thế nữa, các Hiệp định Thương mại này còn giúp Việt Nam tiếp nhận được nhiều công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ 4.0, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ThS. Tâm đưa ra lời khuyên.
Việt Anh