Trung Quốc đang nắm thế thống trị trong hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm toàn cầu. (Ảnh minh họa: iStock).
Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã nhảy vọt trong tháng 6, cho thấy có khả năng nguồn cung nam châm đã tăng lên sau khi Bắc Kinh áp đặt hạn chế xuất khẩu lên nhóm sản phẩm này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Cụ thể, theo dữ liệu do hải quan Trung Quốc công bố hôm 18/7, xuất khẩu tất cả sản phẩm đất hiếm của của nước này đã tăng 80% so với mức đáy 5 năm vào tháng 5, thời điểm Bắc Kinh đang áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Nam châm đất hiếm - một vấn đề gây chú ý trong các căng thẳng thương mại gần đây - thường chiếm phần lớn trong danh mục. Tuy nhiên, sớm nhất vào ngày 20/7 chính phủ Trung Quốc mới công bố dữ liệu xuất khẩu chi tiết.
Tổng khối lượng đất hiếm xuất khẩu vào tháng 6 đạt 3.808 tấn, tăng so với mức 2.115 tấn vào tháng 5. Mặc dù khối lượng tăng mạnh, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với trước khi thị trường đất hiếm toàn cầu chứng kiến cú sốc và chính phủ các nước phải thúc giục Trung Quốc tăng cường nguồn cung.
Trước đó, vào đầu tháng 4, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn, nhắm vào 7 trong số 17 nguyên tố đất hiếm và bao gồm cả các sản phẩm nam châm đất hiếm vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghệ cao.
Động thái của Trung Quốc đe dọa gây gián đoạn sâu sắc cho các ngành công nghiệp của Mỹ và đã thúc đẩy Tổng thống Donald Trump đồng ý thỏa thuận đình chiến thuế quan với Bắc Kinh, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc cũng gây tổn hại cho nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới, từ châu Âu cho đến Ấn Độ. Tất cả lô hàng xuất khẩu hiện nay đều cần giấy phép do Bộ Thương mại Trung Quốc cấp và cơ quan này đang giải quyết số đơn đăng ký tồn đọng.
Đầu tuần này, số liệu thương mại mà Trung Quốc công bố cho thấy xuất khẩu đất hiếm dưới dạng khoáng sản, oxit hoặc kim loại đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Điều này cho thấy các nước đang đổ xô mua nguyên liệu để sản xuất nam châm bên ngoài Trung Quốc.
Khả Nhân