Xuất khẩu đem về 46 tỷ USD cho TP.HCM

Xuất khẩu đem về 46 tỷ USD cho TP.HCM
3 giờ trướcBài gốc
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP.HCM tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tại họp báo cung cấp thông tin ngành công thương TP.HCM quý IV/2024 chiều 16/12, ông Nguyễn Thái Hùng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính Tổng hợp, Sở Công Thương TP cho biết trong năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP tăng 7,3% so với năm ngoái.
Mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi của ngành công nghiệp TP, trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 7,6%.
Công nghiệp phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh
Cụ thể, ngành hóa dược - cao su - nhựa tăng 19,5%, ngành chế biến lương thực - thực phẩm - đồ uống ước tăng 1,5%, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 2,1%. Riêng ngành cơ khí ước giảm 5,2%.
Thực tế, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, ngành cao su - nhựa, ngành chế biến lương thực thực phẩm, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...
Qua đó, đại diện Sở Công Thương đánh giá doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng ổn định và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu năm nay của TP.HCM ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2023.
"Hoạt động xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng hồi phục và khởi sắc, đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh sau khi giảm sâu trong năm 2023 cũng là kết quả tích cực cho hoạt động xuất khẩu của TP", ông Hùng nói thêm.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt gần 568.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, các hoạt động thương mại điện tử đã có sự phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong tương lai, ông Hùng cho rằng các kênh phân phối quan trọng này sẽ góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.
Bên cạnh đó, mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại cũng đang từng bước gia tăng cả về quy mô và trình độ phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn TP.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành.
TP.HCM sẽ đón làn sóng đầu tư mới
Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được năm qua, ngành công thương TP.HCM cũng đã cụ thể hóa và xây dựng nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm tới.
Cụ thể, TP.HCM sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số. Đây là chiến lược giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp của TP.
Kế hoạch phát triển thương mại nội địa cũng được chú trọng triển khai, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường.
Đồng thời, TP.HCM sẽ xây dựng và triển khai đề án xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Bên cạnh đó, TP tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics để đồng bộ kết nối với các trung tâm kinh tế. Trong đó, TP dự kiến xây dựng, khởi công ít nhất 1 trung tâm logistics trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, việc tăng trưởng 2 con số đối với ngành công thương sẽ là một nhiệm vụ khó khăn trong năm 2025.
"Để làm được điều này, lĩnh vực thương mại và công nghiệp phải có các chỉ số tăng trưởng cao vượt bậc. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi đòi hỏi quá trình đầu tư cụ thể", ông nhìn nhận.
Dù vậy, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM khẳng định đã chuẩn bị nhiều đề án để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, ông cho rằng trong năm 2025, TP.HCM sẽ đón một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Anh Nguyễn
Nguồn Znews : https://znews.vn/xuat-khau-dem-ve-46-ty-usd-cho-tphcm-post1518577.html