Điểm sáng tại thị trường Trung Quốc
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng điều xuất khẩu tháng 6/2025 ước đạt 70 nghìn tấn với giá trị đạt 475,4 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu điều 6 tháng đầu năm 2025 đạt 346,8 nghìn tấn và 2,36 tỷ USD, giảm 2,7% về khối lượng nhưng tăng 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Chế biến điều xuất khẩu ở Công ty BLB (tỉnh Ninh Thuận cũ). Ảnh: N.Trí
Giá điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6805,4 USD/tấn, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hà Lan là 3 thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 22%, 21,6% và 8,4%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu điều 5 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc tăng 41,2%, thị trường Hoa Kỳ tăng 0,1%, thị trường Hà Lan tăng 22,4%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất ở thị trường Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất với mức tăng 50,4% và giảm mạnh nhất ở thị trường Australia với mức giảm 16,1%.
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, tháng 5/2025 ghi nhận lượng hạt điều của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tính chung, 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu 65,79 nghìn tấn hạt điều sang Trung Quốc, trị giá 414,94 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 41,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Giá bình quân xuất khẩu điều sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tháng 5/2025, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức 6.350 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng 4/2025 và tăng 15,7% so với tháng 5/2024. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, giá bình quân xuất khẩu điều của Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức 6.307 USD/tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024.
Điều này phản ánh xu hướng tăng trưởng tích cực cả về nhu cầu, giá trị và đơn giá xuất khẩu. Việc này góp phần củng cố vị thế của Việt Nam tại thị trường lớn này và mở ra kỳ vọng tăng trưởng tốt cho nửa cuối năm 2025, nếu duy trì được chất lượng và năng lực cung ứng ổn định.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Sơn, cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt điều ở Trung Quốc đang tăng lên, dẫn tới việc các thương nhân Trung Quốc mua nhiều hạt điều Việt Nam trong những tháng qua. Đặc biệt, giá hạt điều xuất khẩu sang Trung Quốc cao hơn giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu điều sang nhiều thị trường khác cũng đang tăng trưởng khả quan như Hà Lan, UAE, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ...
Nhiều thị trường tiềm năng cho ngành điều Việt Nam
Theo kế hoạch, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD tăng 2,7% so với cùng kỳ 2024. Với kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, khả năng về đích của ngành điều là trong tầm tay.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho biết, có nhiều thị trường tiềm năng cho ngành điều Việt Nam, trong đó, trước hết là những thị trường lớn và ổn định như Trung Quốc, EU, Australia… Đặc biệt, 2 thị trường đang tăng mạnh về nhập khẩu hạt điều trong một năm qua là Trung Đông và Hà Lan. Ngành điều Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều sang những thị trường này.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, cần khai thác cả thị trường truyền thống và tiềm năng khác. Theo đó, các doanh nghiệp cần xúc tiến, quyết liệt việc mở thị trường mới, điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu, hướng đến thị trường tiềm năng có nhu cầu cao nhưng thị phần còn thấp như Trung Đông (UAE, Ả rập Xê út).
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, xuất khẩu điều vào EU tăng trưởng tốt những năm gần đây, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này là có nhiều quy định về sản phẩm phải sản xuất bền vững, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy định không gây mất rừng trong sản xuất hạt điều.
Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm chế biến từ các loại hạt, ngũ cốc tăng cao nên có khả năng gia tăng thị phần xuất khẩu nhóm sản phẩm này tại thị trường EU. Tích cực triển khai việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm, truy xuất dữ liệu số, đầu tư vào chế biến sâu và xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành điều tại thị trường này cũng cần được đẩy mạnh.
Riêng với thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Trung Quốc có xu hướng tăng. Một số công ty phân tích thị trường quốc tế nhận định, sự gia tăng dân số của Trung Quốc đã góp phần làm tăng nhu cầu về các loại hạt, trong đó có hạt điều.
Người dân Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày để di chuyển hoặc làm việc, nên nhu cầu ăn nhẹ rất nhiều. Nhu cầu về đồ ăn nhẹ là hạt điều và các sản phẩm liên quan đến hạt điều đang tăng nhanh vì đây được coi là thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Các doanh nghiệp trong ngành khuyến nghị, để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu điều sang thị trường này, ngành điều Việt Nam cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định nguồn cung, đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu và chú trọng tới các yêu cầu kiểm soát kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe từ phía Trung Quốc.
Hiện, diện tích điều cả nước khoảng 306,4 nghìn ha. Niên vụ sản xuất điều năm 2024 - 2025 đã thu hoạch xong, năng suất 10,5 tạ/ha, sản lượng 311,2 nghìn tấn. So với liên vụ trước, diện tích giảm 2,2 nghìn ha, năng suất giảm 0,3 tạ/ha, sản lượng giảm 7,3 nghìn tấn.Việt Nam liên tiếp 18 năm là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, đồng thời chiếm trên 80% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt trên các kệ hàng của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nguyễn Hạnh