Từ ngày 1-1 đến ngày 15-1, Việt Nam đã xuất khẩu gần 269.000 tấn gạo. Ảnh: Trung Chánh
Theo TTXVN, giá gạo Việt Nam xuất khẩu loại 5% tấm giảm xuống còn 413 đô la Mỹ/tấn, loại 25% tấm còn 387 đô la Mỹ/tấn, tấm 330 đô la Mỹ/tấn.
Các doanh nghiệp nhận định, triển vọng xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn do nền sản xuất đã đạt mức cao trong năm 2024, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, đặc biệt là Ấn Độ khi nước này quay trở lại thị trường.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo năm nay được dự báo không thể duy trì được mức kỷ lục của năm trước, 9,04 triệu tấn và dự kiến chỉ đạt 7,5 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thị trường lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn khi giao dịch diễn ra chậm, nông dân chào bán lúa nhưng ít người mua.
Nguồn cung gạo toàn cầu dồi dào, đặc biệt từ Ấn Độ và Thái Lan, đã khiến giá lúa IR 504 và OM 5451 giảm mạnh 700 đồng/kg, xuống còn lần lượt 5.500-5.700 đồng/kg và 5.800-6.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa các loại đang giao động ở mức khá ổn định. Cụ thể, lúa IR 50404 có giá từ 5.500-5.700 đồng/kg, lúa OM 5451 từ 5.800-6.000 đồng/kg và các loại lúa thơm như Đài thơm 8 và OM 18 có giá từ 7.600-7.800 đồng/kg.
Tại thị trường An Giang, giá gạo khá đa dạng tùy thuộc vào từng loại. Gạo thường có giá từ 15.000-17.000 đồng/kg, gạo thơm như Đài thơm 8, OM 18, Hương Lài, Đài Loan có giá cao hơn, dao động từ 20.000-22.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm cũng có mức giá khác nhau, ví dụ như gạo IR 504 có giá nguyên liệu từ 7.500-7.700 đồng/kg và giá thành phẩm từ 9.500-9.700 đồng/kg.
Ngoài ra, tính đến ngày 20-1, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành 93% kế hoạch gieo cấy vụ Đông Xuân, với nhiều địa phương như Đồng Tháp, An Giang đạt tiến độ cao. Tuy nhiên, một số tỉnh vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết.
Thời tiết hiện nay với đặc điểm mưa nắng thất thường, sáng sớm se lạnh kèm sương mù, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh hại lúa phát triển như đạo ôn, bạc lá, đen lép hạt. Đặc biệt, sâu năn (muỗi hành) cũng đang phát triển mạnh, gây hại nghiêm trọng cho lúa, nhất là ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang...
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến của dịch hại để có thể áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại cho vụ mùa.
Bình Dương