Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 6 năm 2025 ước đạt 700 nghìn tấn với giá trị đạt 364,4 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2025 đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2025 đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 517,5 USD/tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2024. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 43,4%. Bờ Biển Ngà và Gana là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 10,7% và 10,5%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Philippines giảm 17,4%, thị trường Bờ Biển Ngà tăng 88,6%, thị trường Gana tăng 61,4%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Bangladesh với mức tăng 293,2 lần và giảm mạnh nhất ở thị trường Malayxia với mức giảm 54,7%.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho hay, xuất khẩu gạo đang có xu hướng sụt giảm ngay từ đầu năm 2025 do nguồn cung trên thị trường lớn, giá xuất khẩu thấp và các thị trường nhập khẩu đang hạn chế mua vào để chờ giá xuống thấp.
Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 5,7 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2024, trong đó 6 tháng đầu năm cần đạt 2,6 tỷ USD, 6 tháng cuối năm cần đạt 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu xuất khẩu ước tính vào thời điểm tháng 6/2025, khả năng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gạo có thể sụt giảm hơn so với mục tiêu đặt ra, ước tính chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Tham gia vào chuỗi giá trị ngành gạo ở các khâu như sấy, xay xát và đánh bóng, ông Bùi Lê Quốc Bảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TCO Holdings cho biết, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Do dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao, trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.
Tăng tốc để về đích xuất khẩu
Trên thị trường thế giới, tính đến đầu tháng 6/2025, giá gạo thô kỳ hạn tháng 7/2025 giao dịch trên sàn CBOT (giá gạo thô) đạt mức thấp nhất là 12,3 USD/cwt vào ngày 13/5 và đạt mức cao nhất là 13,4 USD/cwt vào ngày 28/5. Bình quân tháng 5/2025, giá gạo thô đạt 12,9 USD/cwt, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2025, giá gạo thô đạt 13,8 USD/cwt, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường trong nước, giá thu mua lúa bình quân tính đến đầu tháng 6/2025 tại tỉnh Tiền Giang có xu thế giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá lúa IR 50404 đạt 6.519 đồng/kg, giảm 9,4%; giá lúa Nàng Hoa đạt 7.838 đồng/kg, giảm 1,6%; giá lúa OM 5451 đạt 6.819 đồng/kg, giảm 6,5%; giá lúa Đài Thơm đạt 8.238 đồng/kg, giảm 0,5%.Thời điểm hiện tại, nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào và giá có xu hướng giảm.
Cập nhật số liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn giữ mức 382 USD/tấn, bằng với sản phẩm cùng phẩm cấp của Thái Lan. Còn gạo Ấn Độ thấp hơn 2 USD/tấn và gạo Pakistan cao hơn 4 USD/tấn. Với gạo 25% tấm của Việt Nam hiện đứng ở mức 357 USD/tấn, thấp hơn lần lượt 11 USD/tấn và 9 USD so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ; nhưng cao hơn 5 USD/tấn so với gạo Pakistan.
Tại thị trường quan trọng nhất thế giới là Philippines, báo cáo từ Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, tính đến cuối tháng 6/2025, lượng gạo nhập khẩu là 2,17 triệu tấn, ít hơn 163.000 tấn so với cùng kỳ năm 2024. Tính đến ngày 19/6, nhập khẩu gạo của Philippines từ Việt Nam đạt 1,58 triệu tấn.
Đáng chú ý, lượng gạo nhập từ Myanmar tăng vọt lên con số gần 300.000 tấn, vượt qua Thái Lan để chiếm vị trí thứ hai; còn Thái Lan với 125.000 tấn đứng thứ 3. Một điểm đáng chú ý khác là nguồn cung gạo dồi dào với giá rẻ từ Ấn Độ không có ưu thế ở thị trường này khi chỉ đạt 19.000 tấn đứng ở vị trí thứ 5, thấp hơn cả Pakistan với 74.000 tấn.
Theo các chuyên gia, trong thời gian gần đây, Chính phủ Philippines luôn bày tỏ mong muốn đa dạng hóa nguồn cung gạo và sự gia tăng sản lượng gạo nhập từ Myanmar là bằng chứng cho điều đó. Ngoài ra, Philippines cũng muốn tăng nhập khẩu thêm từ các nguồn khác, đặc biệt là Thái Lan và Campuchia, tuy nhiên gặp khó khăn về chất lượng và giá cả. Người dân Philippines nhiều năm qua đã quen thuộc với chất lượng của gạo Việt Nam và giá cả hợp túi tiền.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, cần tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu, tận dụng lợi thế cạnh tranh để gia tăng thị phần gạo thơm khi Thái Lan và Ấn Độ là hai nhà cung cấp phân khúc này lớn nhất nhì vào thị trường Hoa Kỳ nhưng chịu mức thuế cao lần lượt là 36% và 26%.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống có thị phần lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia để giữ thị trường. Doanh nghiệp cần tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm áp lực thuế. Nghiên cứu chuyển dịch mạnh sang các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore (đối với các sản phẩm chế biến như bún, mì, nui, phở); tìm giải pháp giảm chi phí logistic để mở rộng sang các thị trường tiềm năng Ghana, Bờ Biển Ngà và UAE với chủng loại gạo thơm và gạo trắng.
Dù đối mặt với thách thức về biến động giá và nhu cầu sử dụng gạo trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn được kỳ vọng duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định. Việc tập trung vào phân khúc chất lượng cao và thương hiệu là yếu tố then chốt giúp duy trì vị thế của gạo Việt.
Nguyễn Hạnh