Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 có thể đạt trên 16 tỷ USD

Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 có thể đạt trên 16 tỷ USD
2 giờ trướcBài gốc
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm của gỗ đạt 12,15 tỷ USD.
Tăng trưởng hai con số trong 9 tháng đầu năm 2024
Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2024, xuất khẩu sản phẩm gỗ đem về 7,84 tỷ USD; xuất khẩu gỗ nguyên liệu đạt 3,533 tỷ USD; xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ 777 triệu USD.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của gỗ Việt Nam, chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Kế đến là Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu vẫn duy trì đa tăng trưởng tích cực, trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận mức giảm nhẹ.
Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam (VIFORES) cho rằng với đà tăng trưởng của 3 quý đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả năm có thể khả quan.
Ông Hoài giải thích: “Tăng trưởng hai con số hiện nay chủ yếu do năm 2023 xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã giảm rất sâu (giảm 15.9%) sau nhiều năm tăng trưởng liên tục. Nếu so sánh với năm 2022, là năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 16,1 tỷ USD, thì tăng trưởng 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ nên coi là sự phục hồi sau khi giảm chạm đáy. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi nhanh hơn dự báo và cao hơn nhiều ngành hàng khác”.
Thông thường, trong 2 quý cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu mua sắm mùa cao điểm của thị trường và bù đắp sự giảm sút trong quý đầu năm với tết Nguyên đán của Việt Nam. “Nếu không có những bất trắc, cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ có thể đạt trên 16 tỷ USD” - Ông Hoài dự báo.
Siêu bão khiến xuất khẩu ngành gỗ quý cuối năm không quá khả quan
Dù vậy, theo ông Ngô Sỹ Hoài, siêu bão Yagi vừa qua cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu gỗ của doanh nghiệp (DN) gỗ, đặc biệt là DN chế biến và xuất khẩu gỗ dăm, ván công nghiệp (ván dán, ván MDF, gỗ ghép thanh …) vì rừng trồng nguyên liệu gỗ, chủ yếu là cây keo, bị thiên tai tàn phá rất nặng nề.
Thống kê sau bão, có tới 13 tỉnh bị thiệt hại về rừng, với diện tích 169.588 ha (chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt); thiệt hại nặng nhất là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và Hải Phòng. Nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị bão tàn phá, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.
Theo ông Hoài, ảnh hưởng của bão Yagi chưa thể hiện rõ ràng trong năm nay, do còn có thể khai thác, tận thu rừng thiệt hại sau bão, nhưng sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, vì những cánh rừng nguyên liệu bị bão tàn phá phải trồng lại và chỉ có thể cho khai thác sau 5 - 6 năm.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tiến Đạt - một DN xuất khẩu gỗ tại miền Bắc - nhận định, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ có thể có sự tăng trưởng, nhưng cũng khó có thể đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2024.
Xung đột địa chính trị trên thế giới gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu gỗ nói riêng, do các tàu chở hàng sẽ cần đi vòng qua vùng chiến sự, khiến thời gian vận chuyển bị kéo dài hơn, chi phí vận tải biển tăng đột biến. Việc đối tác chậm thanh toán tiền cũng là một yếu tố khiến xuất khẩu gỗ trong năm 2024 gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù DN gỗ Việt đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm thị trường “ngách”, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế, rất khó có thể có những đột phá để giảm phụ thuộc vào 5 thị trường hàng đầu, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Ban, Hàn Quốc và EU tiêu thụ trên 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam.
“Ngoài ra, các yêu cầu mới về môi trường, giảm phát thải, sản xuất xanh … cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nếu DN tăng cường thực hành trách nhiệm giải trình, tuân thủ yêu cầu truy xuất nguồn gốc để đảm bảo gỗ hợp pháp thì vượt qua các thách thức này cũng không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”, ông Tuyên chia sẻ thêm.
Trong bối cảnh các yêu cầu về môi trường của thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, các DN cần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và chủ động xúc tiến thương mại, cải thiện quản trị DN, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, chú trọng tăng cường năng lực phòng vệ thương mại vì tần suất xuất hiện các vụ khởi kiện và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế có thể ngày càng nhiều hơn. DN cũng cần sớm có biện pháp hữu hiệu giảm phát thải, tiến tới phát thải bằng 0.
ANH THƯ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/xuat-khau-go-va-lam-san-nam-2024-co-the-dat-tren-16-ty-usd-10291738.html