Kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi nhanh hơn dự báo. Ảnh tư liệu
Đạt mức tăng trưởng ấn tượng
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu đạt 14,2 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6% so với năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã hoàn thành gần hơn 90% kế hoạch đề ra cho năm 2024.
Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ Việt Nam (Vifores), giai đoạn 2010-2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng 25 - 45%. Đến năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này đã bị suy giảm, nhưng sang năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi nhanh hơn dự báo và cao hơn nhiều ngành hàng khác.
Đạt kết quả trên do ngành gỗ Việt Nam đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...
Bên cạnh đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn bắt đầu phục hồi, kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý IV và cả năm 2024.
Khả năng cao ngành gỗ tăng tốc về đích sớm
Vifores dự báo, với đà tăng trưởng này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả năm có thể khả quan bởi thông thường, trong quý cuối năm là cao điểm mua sắm của người tiêu dùng tại nhiều nước, do đó, khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tăng tốc về đích. Nếu không có những bất trắc, cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ có thể đạt trên 16 tỷ USD.
Để phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu xuất khẩu, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ…
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là cơ chế, chính sách bảo đảm gỗ hợp pháp… Đặc biệt, các doanh nghiệp gỗ phải nâng cao năng lực cạnh tranh với 5 trụ cột chính cần hướng tới. Đó là, các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất; sản xuất phải giảm phát thải; các giải pháp về quản trị, trong đó ưu tiên chuyển đổi số; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát nội bộ trong doanh nghiệp./.
Khánh Linh