Xuất khẩu gỗ Việt: Đối mặt thuế quan, chuẩn bị cho tương lai bền vững

Xuất khẩu gỗ Việt: Đối mặt thuế quan, chuẩn bị cho tương lai bền vững
một ngày trướcBài gốc
Xuất khẩu gỗ đang đứng trước những cơ hội, thách thức đan xen. Ảnh ST
Nỗ lo thuế quan, chi phí gia tăng
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT), tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường; chính sách bảo hộ của các quốc gia; chính sách phòng vệ thương mại giữa các quốc gia diễn biến phức tạp đã tác động đến thương mại sản phẩm gỗ và lâm sản của nước ta, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách; sự năng động, đổi mới của doanh nghiệp đã góp phần cùng ngành gỗ nỗ lực để hoàn thành vượt mục tiêu đề ra. Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 16,25 tỷ USD, vượt mốc kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 khoảng 500 triệu USD. Góp chung vào kết quả đó, Mỹ đang là thị trường tiêu thụ trên 50% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam (đạt 9,1 tỷ USD), chủ yếu là đồ gỗ nội ngoại thất, đồ mộc, tinh chế.
Tiếp đà tăng trưởng, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 2,52 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2024. Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng 11,7% và 9,8%.
Mặc dù triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ Việt rất khả quan nhưng mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo sẽ bổ sung gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp vào danh mục bị áp thuế nhập khẩu.
Theo đó, Tổng thống Donald Trump yêu cầu Bộ Thương mại điều tra theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 đối với gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, có thể áp thuế lên đến 25% đối với gỗ xẻ và các sản phẩm lâm nghiệp nhập khẩu ngay từ tháng 4/2025. Trước đó, gỗ Việt cũng vừa trải qua thời gian dài trong diện bị điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp của thị trường Hoa Kỳ...
Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 18 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) - ông Ngô Sỹ Hoài - lưu ý, với mức thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vượt 100 tỷ USD trong năm 2024, Việt Nam có nguy cơ trở thành mục tiêu điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế khác. Riêng ngành gỗ đạt được thặng dư rất lớn với đối tác Mỹ và chắc chắn khó thoát nguy cơ áp thuế, nếu Mỹ quyết tâm theo đuổi mục tiêu này.
“Mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ hiện tại là 0%, nếu bị áp thuế 25% sẽ rất khó cạnh tranh với các sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc và các nước khác” - ông Hoài cho biết.
Nằm trong diễn biến đáng lo ngại này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, khác với mọi năm, năm nay, doanh nghiệp chỉ nhận được đơn hàng trong ngắn hạn, thay vì cả năm. Nguyên nhân là, các nhà mua hàng Mỹ đang lúng túng, lo sợ việc áp thuế sẽ dẫn tới tồn kho nên chưa mạnh dạn chốt đơn.
Tuy nhiên, gánh nặng chi phí với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ còn đến từ câu chuyện nhiều thị trường lớn đang tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu, cũng như dựng hàng rào kỹ thuật với những mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu thêm chi phí và doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.
Ứng phó ra sao?
Cho rằng Việt Nam cũng như nhiều thị trường xuất khẩu gỗ vào Mỹ chưa thể có giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa thuế quan trong ngắn hạn, song đại diện Viforest cũng bày tỏ tự tin các doanh nghiệp Việt có thể hạn chế tối đa rủi ro, trong trường hợp thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam áp thuế quan.
Theo đó, một trong những giải pháp được Viforest và các doanh nghiệp trong ngành đã và đang chuẩn bị sẵn sàng để có thể tham gia các cuộc điều trần nếu như phía Mỹ yêu cầu chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Mỹ là quan hệ bổ trợ cho nhau.
"Dù quyết liệt và khó đoán định, song Tổng thống Mỹ cũng sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, nhất là với quốc gia thân thiện, được Mỹ đánh giá cao như Việt Nam" - ông Hoài cho biết và nhấn mạnh rằng, đây chính là cơ hội, là "khe cửa hẹp" ngành gỗ cần nắm lấy để hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn này không bị ảnh hưởng.
Những nỗ lực này cũng được cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NNMT thể hiện rõ qua các buổi làm việc, trao đổi với đại diện cơ quan của Chính phủ Mỹ thời gian gần đây. “Những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của hai nước có tính bổ trợ, không cạnh tranh lẫn nhau nên Việt Nam rất sẵn lòng mở cửa cho nông sản Hoa Kỳ. Đây là những quyết định có lợi cho cả hai nước” - Bộ trưởng Bộ NNMT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Ngoài việc tập trung tháo gỡ rào cản, tiếp tục xây dựng lòng tin với thị trường Mỹ, các chuyên gia cũng đề nghị cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận các thị trường khác, trong đó tập trung vào các thị trường mới nổi, giàu tiềm năng như Trung Đông.
Muốn vậy, trước tiên, các doanh nghiệp phải định vị rõ thị trường, sản phẩm gì bán cho thị trường nào; nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm đó lấy ở đâu, nếu là rừng trồng trong nước thì phải xác định trồng loại cây gì phù hợp. “Để hạn chế được rủi ro, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp của thị trường, bất kể đó là thị trường nào” - đại diện Viforest cho biết.
Hiện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ NNMT) đã phối hợp các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Nhiệm vụ của mã số này là phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng với các yêu cầu quốc tế, cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.
Về lâu dài, để xuất khẩu bền vững, tránh rủi ro, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường với giá cả hợp lý nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bởi, đây là là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng và tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu, cũng như hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang tích cực thực hiện.
Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp./.
N.LỘC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-go-viet-doi-mat-thue-quan-chuan-bi-cho-tuong-lai-ben-vung-39187.html