Xuất khẩu Hàn Quốc định hình lại chiến lược thị trường dưới tác động thuế quan của Mỹ

Xuất khẩu Hàn Quốc định hình lại chiến lược thị trường dưới tác động thuế quan của Mỹ
một ngày trướcBài gốc
Theo số liệu do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 30/6, trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ và Trung Quốc chiếm 36,74% tổng xuất khẩu, giảm 1,46 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 18,53%, sang Trung Quốc đạt 18,21%.
Nếu các đối tác thương mại phản ứng bằng các biện pháp thuế đối ứng tương tự, thì Mỹ với tỷ trọng thương mại lớn hơn có thể là bên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất
Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Mỹ và Trung Quốc luôn là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, chiếm tới 40% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, xu hướng phụ thuộc này đang dần thay đổi.
Giám đốc Viện Nghiên cứu thương mại và thương mại quốc tế của KITA Jang Sang-sik nhận định: “Trước môi trường thương mại bất ổn, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang chủ động mở rộng thị trường sang ASEAN và Liên minh châu Âu (EU)”.
Tỷ trọng xuất khẩu sang Đài Loan tăng mạnh nhất, từ 3,57% lên 5,85%, tương đương mức tăng kim ngạch 62,5% (từ 9,9 tỷ USD lên 16,1 tỷ USD). Đài Loan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Hàn Quốc. Việt Nam, Ba Lan và Malaysia cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 0,55, 0,32 và 0,24 điểm phần trăm.
Sự tăng trưởng trên phần lớn đến từ nhóm hàng chất bán dẫn, đặc biệt là bộ nhớ băng thông cao (HBM). Riêng xuất khẩu chất bán dẫn sang Đài Loan tăng hơn gấp đôi, từ 5 tỷ USD lên 11 tỷ USD. Các sản phẩm bán dẫn như HBM được Đài Loan sử dụng để sản xuất máy gia tốc trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ thị trường Mỹ và toàn cầu.
Tỷ trọng chất bán dẫn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng từ 18,86% lên 21,20% trong cùng kỳ, phản ánh vai trò ngày càng lớn của nhóm hàng công nghệ cao. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu ô tô giảm nhẹ từ 11,10% xuống 10,92%, một phần do mức thuế 25% áp dụng tại Mỹ và việc Hyundai bắt đầu sản xuất xe điện tại nhà máy HMGMA (Georgia) từ tháng 3.
Từ góc nhìn ngược lại, nền kinh tế Mỹ cũng chịu áp lực không nhỏ từ chính sách thuế quan. Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế Mỹ và các vấn đề chính trong nửa cuối năm 2025” của Văn phòng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tại New York, xuất khẩu hiện chiếm khoảng 7% GDP của Mỹ, cao gấp đôi so với thời kỳ Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley thập niên 1930.
Báo cáo phân tích rằng nếu các đối tác thương mại phản ứng bằng các biện pháp thuế đối ứng tương tự, thì Mỹ với tỷ trọng thương mại lớn hơn có thể là bên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ so với GDP của EU và Trung Quốc chỉ là 3,1% và 2,9%.
Giả định Mỹ tăng thuế thêm 25% và các nước phản ứng tương ứng, BoK cảnh báo nguy cơ suy thoái, lạm phát cao, thậm chí giá tài sản có thể điều chỉnh mạnh nếu đàm phán thương mại không đạt kết quả.
Hiện thời gian mà Mỹ hoãn hiệu lực thuế trả đũa để tiến hành đàm phán song phương sắp kết thúc vào ngày 9/7, thị trường vẫn kỳ vọng mức thuế cuối cùng sẽ thấp hơn kế hoạch ban đầu của Tổng thống Donald Trump công bố ngày 2/4.
Quang Chiến
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/xuat-khau-han-quoc-dinh-hinh-lai-chien-luoc-thi-truong-duoi-tac-dong-thue-quan-cua-my-319555.html