Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4.2025 đạt 74,31 tỷ USD, giảm nhẹ 1,4% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 2,8%, còn 37,44 tỷ USD; nhập khẩu gần như không thay đổi, đạt 36,87 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư 570 triệu USD, giảm đáng kể so với những tháng đầu năm.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13%; nhập khẩu đạt 136,55 tỷ USD, tăng 18,6%. Tuy nhiên, thặng dư thương mại chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm 58,2% so với mức 9,05 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng khi tăng trưởng xuất nhập khẩu vượt trội so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối trong nước đạt 92,51 tỷ USD, tăng 19,2%. Trong đó, xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD (tăng 16,8%) và nhập khẩu đạt 51,26 tỷ USD (tăng 21,1%).
Ngược lại, khu vực FDI vẫn chiếm tỉ trọng lớn với 184,38 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, song tốc độ tăng trưởng thấp hơn khối doanh nghiệp nội địa.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 43,41 tỷ USD, tăng mạnh 25,1%. Các thị trường trọng điểm khác gồm Liên minh châu Âu (EU) với 18,44 tỷ USD (tăng 13%) và Trung Quốc với 18,1 tỷ USD (tăng 3,1%).
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất, chiếm 39% tổng trị giá nhập khẩu, đạt 53,16 tỷ USD (tăng 26,5%). Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh bao gồm: linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, vải và điện thoại.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 4 giảm nhẹ, nhưng tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa vẫn đạt kỷ lục 140,34 tỷ USD. Dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 29,26 tỷ USD, tăng mạnh 36,2%, chiếm tới 21% tổng giá trị xuất khẩu.
Đặc biệt, xuất khẩu nhóm này sang Mỹ tăng 57,6%; sang Hàn Quốc tăng 42,3% và sang EU tăng 32%, cho thấy sự cải thiện rõ nét về năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Các nhóm hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may, giày dép, đồ chơi, dụng cụ thể thao và sản phẩm gỗ cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan. Xuất khẩu giày dép đạt 7,6 tỷ USD (tăng 14,5%), trong đó thị trường Mỹ và EU chiếm 63%. Đáng chú ý, nhóm đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng vọt 83,6%, đạt 1,77 tỷ USD, riêng thị trường Mỹ chiếm gần 2/3.
Tuy nhiên, nhóm hàng điện thoại và linh kiện, vốn là mặt hàng chủ lực lại giảm nhẹ 1,9% về trị giá so với cùng kỳ, dù vẫn đạt 17,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu gạo cũng giảm 13,3%, chủ yếu do đơn giá bình quân giảm gần 20%, dù khối lượng xuất khẩu tăng 8,1%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 136,55 tỷ USD, tăng 18,6%. Trong đó, nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42,88 tỷ USD (tăng 35,4%), chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu. Bốn thị trường chính cung cấp nhóm hàng này gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, chiếm tới 81% nguồn cung.
Nhóm máy móc, thiết bị đạt 17,58 tỷ USD, tăng 24,3%. Các mặt hàng như kim loại thường, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu ngành dệt may - da giày cũng đều tăng cả về lượng và trị giá nhập khẩu.
Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng như sắt thép, nguyên liệu nhiên liệu giảm về trị giá nhập khẩu do đơn giá bình quân giảm, dù sản lượng tăng. Nhóm nhiên liệu như than, dầu thô, khí đốt đạt sản lượng hơn 33 triệu tấn, nhưng giá trị nhập khẩu giảm gần 10%.
Đáng chú ý, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng mạnh 48,5%, đạt gần 65.000 xe. Trong đó, xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn nhất.
NH