Bức tranh xuất khẩu năm 2025 được các chuyên gia dự báo xu hướng của thế giới sẽ theo chiều hướng tích cực hơn, nhu cầu hàng hóa sẽ tiếp tục đi lên, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mạnh đến các thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng phát triển kép "xanh hóa và số hóa" của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế; trong đó, chú trọng yếu tố phát triển bền vững; đón đầu xu hướng công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong ngành thủy sản. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Có thể nói, năm 2024, dù tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp nhưng tăng trưởng kinh tế có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Trong bối cảnh đó, với biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xuất khẩu của Việt Nam duy trì mức tăng cao và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế.
Nhận định từ Bộ Công Thương, xuất khẩu đã duy trì được con số kim ngạch tăng trưởng tương đối đều đặn từ đầu năm đến nay cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong nắm bắt thời cơ từ hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như cơ hội từ sự phục hồi của thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư rất tốt cho công nghệ sản xuất khiến hàng hóa Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng.
Đáng lưu ý, các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may và thủy sản tiếp tục giữ vai trò quan trọng, bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, điện thoại và linh kiện vẫn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, trong khi nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh đã phản ánh xu hướng đầu tư công nghệ mới.
Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) cho hay: Năm 2024, mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng hệ thống các nhà máy của Công ty Tân Đệ đã sản xuất, xuất khẩu đạt 12.612.000 sản phẩm. Hiện tại, công ty đã ký kết đơn hàng với các đối tác và lên kế hoạch sản xuất đến hết tháng 10/2025. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch sản xuất, công ty sẽ tiếp tục đổi mới việc quản lý, điều hành, ổn định nguồn nhân lực và tuyển dụng bổ sung thêm công nhân. Đi liền đó là tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất, quản lý lao động, nghiên cứu hoàn thiện quy trình, phương pháp sản xuất tối ưu.
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Tương tự, đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG được lấp đầy đến quý I/2025 nhờ gia tăng từ các tập khách hàng quen thuộc như Decathlon, Asmara, Haddad. Dự kiến công ty sẽ tiếp tục đàm phán để kiếm đơn hàng cho đến quý II/2025.
Còn CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận tiếp tục khởi sắc nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của lượng đơn hàng từ thị trường châu Á. Gần đây, TCM đẩy mạnh đơn hàng đến Hàn Quốc, nhất là nguồn đơn hàng từ Tập đoàn E-Land với 10 triệu sản phẩm may trong năm nay (cao gấp đôi so với năm 2023). Đặc biệt, ngoài việc phát triển dòng khách hàng mới, công ty đang thay đổi các mặt hàng cơ bản sang mặt hàng giá trị gia tăng, phát triển mặt hàng bằng công nghệ mới.
Chiếm thị phần trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất các sản phẩm đồ gỗ và nội thất gỗ của Việt Nam. Vì thế, sang năm 2025, bên cạnh việc bán hàng truyền thống, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ nội thất cho biết sẽ đa dạng cách thức tiếp cận bạn hàng qua thương mại điện tử.
Sản xuất đơn hàng đồ gỗ xuất khẩu tại CTCP INTERHOUSE LA (ILA) ở Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024. Do vậy, để hoàn thành kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ thông tin kịp thời tới hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp về diễn biến thị trường xuất khẩu để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng; duy trì đều đặn hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường. Cùng đó, nêu bật những quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến xuất nhập khẩu và khuyến nghị doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Bên cạnh đó, triển khai đa dạng hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ FTA đã thực thi giúp tận dụng tốt cơ hội. Tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại; tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ chú trọng xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch; khai thông hiệu quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, định hướng phát triển bền vững với mô hình sản xuất xanh, xuất khẩu xanh nhằm gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Uyên Hương/BNEWS/TTXVN