Theo số liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 20/7, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 6 đạt 3,2 ngàn tấn, gần gấp ba lần so với tháng 5 (1,2 ngàn tấn). Các nước mua nhiều sản phẩm này trong tháng 6 lần lượt là Đức, Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc và Thái Lan.
Mức tăng đột biến này được cho là nhờ bước tiến trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, sau khi hai bên đạt được thỏa thuận: Bắc Kinh nới lỏng xuất khẩu đất hiếm để đổi lấy việc Mỹ cho phép bán chip AI trở lại thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu nam châm đất hiếm tháng 6 vẫn giảm 38% và thấp hơn nhiều so với mức trung bình hằng tháng là 4,8 ngàn tấn. Trước đó, trong tháng 5, xuất khẩu sụt tới 74% - mức giảm sâu nhất trong hơn 10 năm do các biện pháp siết xuất khẩu của Trung Quốc nhằm đáp trả chính sách hạn chế công nghệ cao từ Mỹ.
Công nhân tại một mỏ đất hiếm ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Là quốc gia chiếm hơn 2/3 sản lượng khai thác và 90% công suất chế biến đất hiếm toàn cầu, Trung Quốc nắm giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng nguyên liệu chiến lược này. Nam châm đất hiếm, vốn được sử dụng trong động cơ xe điện, tuabin gió, thiết bị điện tử và cả vũ khí dẫn đường, đã trở thành một "quân bài chiến lược" trong các cuộc mặc cả thương mại Mỹ - Trung.
Động thái nới lỏng đáng kể xuất khẩu xuất hiện sau khi Mỹ chấp thuận cho hai tập đoàn công nghệ lớn là Nvidia và AMD nối lại hoạt động bán chip AI sang Trung Quốc. Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 15/7 đã tháo gỡ phần nào nút thắt thương mại công nghệ giữa hai nước, vốn căng thẳng từ tháng 4.
Nhờ vậy, xuất khẩu nam châm đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 6 đã đạt 353 tấn, tăng 660% so với tháng 5 (chỉ 90 tấn), đánh dấu sự hồi phục mạnh sau khi hai nước đạt thỏa thuận thương mại. Dù vẫn thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm 2024, đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn đang từng bước ổn định trở lại.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phương Tây vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Một số công ty cho biết quy trình cấp phép xuất khẩu từ phía Trung Quốc vẫn kéo dài hàng tuần, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
Đặc biệt, việc xin cấp phép xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm thô gần như không khả thi, khiến các nhà sản xuất buộc phải tìm giải pháp thay thế. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng các loại nam châm có hàm lượng đất hiếm thấp hơn, hoặc loại bỏ hoàn toàn các nguyên tố bị Bắc Kinh kiểm soát khỏi sản phẩm.
Một số công ty sẵn sàng chi trả chi phí vận chuyển hàng không cao để rút ngắn thời gian giao hàng ngay khi có giấy phép. Đồng thời, nhiều nhà sản xuất phương Tây đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá lớn vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc - một chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo an ninh nguyên liệu chiến lược trước các biến động địa chính trị toàn cầu.
Ngọc Nga