Xuất khẩu nỗ lực tăng trưởng những tháng cuối năm

Xuất khẩu nỗ lực tăng trưởng những tháng cuối năm
2 giờ trướcBài gốc
Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) chia sẻ, cần tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác châu Mỹ. Nguyên phụ liệu là yếu tố rất quan trọng với ngành thời trang, chiếm tỷ trọng rất lớn tới 65% trong giá thành sản phẩm. Nếu ngành thời trang Việt Nam có thể chủ động các nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì sẽ đáp ứng đơn hàng một cách nhanh chóng, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng cho ngành công nghiệp thời trang xuất khẩu, mở rộng quy mô đến năm 2030 đạt 100 tỷ USD.
Cần chủ động các nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu
Xuất khẩu là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và cân đối cán cân thương mại.
Tuy nhiên, trước bối cảnh toàn cầu đầy biến động và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp quyết liệt và ngay lập tức để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp cần nhanh chóng khai thác triệt để các lợi ích mà FTA mang lại, không chỉ giảm thuế quan mà còn tối ưu hóa các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, và quy định môi trường.
Theo một số báo cáo, Hoa Kỳ, EU và các quốc gia trong khối ASEAN tiếp tục là những thị trường lớn đối với hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả hơn, Việt Nam cần chú trọng phát triển năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ đào tạo kiến thức về các hiệp định FTA cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Một trong những rào cản lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là các thủ tục hành chính phức tạp và chi phí logistics cao. Hiện tại, chi phí logistics tại Việt Nam đang cao hơn so với một số nước trong khu vực, điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để khắc phục, Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, giảm bớt các quy trình kiểm tra, thông quan rườm rà và đồng thời áp dụng các giải pháp công nghệ số để cải thiện hiệu quả quản lý và vận hành chuỗi cung ứng. Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, cảng biển, và hệ thống kho bãi cũng là cần thiết nhằm giảm thời gian và chi phí vận chuyển, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, nhiều ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày và điện tử vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Việc tăng cường năng lực tự cung ứng nguyên liệu không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn giảm thiểu rủi ro về gián đoạn nguồn cung, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gặp nhiều biến động do dịch bệnh hoặc xung đột địa chính trị, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết thêm.
Bên cạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các ngành như nông nghiệp và chế biến nông sản cần tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thay vì tập trung vào việc xuất khẩu các sản phẩm thô hoặc gia công, Việt Nam cần chú trọng phát triển các ngành hàng chế biến sâu và có giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn cải thiện uy tín và thương hiệu của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, một số ngành hàng như nông sản chế biến, thủy sản và sản phẩm công nghiệp công nghệ cao đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Tập trung vào khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam (VIFORES) chia sẻ, ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 9 tháng năm 2024 đạt trên 12 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Đây là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn và có thể tiếp tục phát triển mạnh nếu Việt Nam đầu tư vào công nghệ chế biến và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết để đa dạng hóa rủi ro và tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, hay Trung Quốc. Để làm được điều này, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng như Châu Phi, Nam Mỹ, và Trung Đông.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu và sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
Các hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm tổ chức các hội chợ, triển lãm quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để quảng bá thương hiệu và sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt với các đối tác chiến lược cũng sẽ giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội thương mại mới và tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường khó tính, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết thêm.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn vay, cải thiện năng lực sản xuất, và phát triển thị trường. Các gói hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế và tín dụng cần được triển khai kịp thời để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng cường năng lực xuất khẩu.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo, tư vấn về xuất khẩu, đặc biệt là về các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế cũng cần được triển khai rộng rãi. Điều này giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc thực hiện các giải pháp kịp thời và hiệu quả để thúc đẩy xuất khẩu là vô cùng cần thiết. Việt Nam cần tập trung vào việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do, cải thiện hạ tầng logistics, phát triển công nghiệp hỗ trợ và thúc đẩy các ngành hàng có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cũng là những bước đi quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xuất khẩu trong thời gian tới.
Đức Hiền
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-no-luc-tang-truong-nhung-thang-cuoi-nam-156412.html