Xuất khẩu nông lâm thủy sản quý 1/2025 tăng trưởng 13,1%
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, với kết quả 6,14 tỷ USD đạt được trong tháng 3/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý 1/2025 của cả nước là 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%; xuất khẩu lâm sản đạt 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 549,5 triệu USD, tăng 19,6%...
GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG NÔNG SẢN TĂNG MẠNH
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: trong quý 1/2025, châu Á là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm 42%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 22,5% và 16,6%. Xét theo từng thị trường cụ thể, Hoa Kỳ đứng đầu chiếm thị phần 20,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tiếp đến, Trung Quốc ở vị trí thứ hai, với thị phần 17,3%; Nhật Bản ở vị trí thứ ba với thị phần 7,7%.
Về mặt hàng xuất khẩu trong quý 1/2025, xuất khẩu cà phê đạt 509,5 nghìn tấn, với kim ngạch đạt 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về khối lượng, nhưng tăng 49,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.656 USD/tấn, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Đức, Italia và Nhật Bản là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 16,2%, 9,9% và 7,4%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức tăng 79,3%, thị trường Italia tăng 31,9%, thị trường Nhật Bản tăng 56,1%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở thị trường Ba Lan với mức tăng 3,1 lần, trong khi Indonesia là thị trường duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm với mức giảm 37,5%.
Xuất khẩu hạt tiêu cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2025, với 47,3 nghìn tấn, kim ngạch đạt 323,6 triệu USD, giảm 16,7% về khối lượng, nhưng tăng tới 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân quý 1 ước đạt 6.845,4 USD/tấn, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ, Đức và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 24,4%, 10,4% và 6,7%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 23%, thị trường Đức tăng 2,4 lần, thị trường Ấn Độ tăng 40,6%.
Mặt hàng cao su cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, trong quý 1/2025, xuất khẩu cao su ước đạt 396,1 nghìn tấn, với kim ngạch đạt 765,8 triệu USD, giảm 4,4% về khối lượng, nhưng tăng 26,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cao su xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.933,3 USD/tấn, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm 73,7%. Hai thị trường lớn tiếp theo là Ấn Độ và Indonesia có thị phần lần lượt là 3,8% và 3,2%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 21,9%, thị trường Ấn Độ giảm 27,5%, thị trường Indonesia tăng 3,1 lần.
Xuất khẩu hạt điều trong quý 1/2025 tăng nhẹ, đạt 121,4 nghìn tấn, với kim ngạch đạt 841,1 triệu USD, giảm 19,3% về khối lượng, nhưng tăng 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6.929,2 USD/tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc là 3 thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 22,7%, 11,2% và 9,8%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hoa Kỳ giảm 14,5%, thị trường Trung Quốc giảm 50%, trong khi thị trường Hà Lan tăng 43,5%.
"GAM MÀU XÁM" VỚI GẠO VÀ RAU QUẢ
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trong bức tranh chung của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý đầu năm vẫn có những “gam màu xám”, đó là sự sụt giảm về giá trị của mặt hàng gạo và rau quả. Cụ thể, trong quý 1/2025, xuất khẩu gạo đạt 2,2 triệu tấn, với kim ngạch 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng, nhưng giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm 2025 ước đạt 522 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,1%. Bờ Biển Ngà và Ghana là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 16,3% và 10,2%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines giảm 15,7%, trong khi thị trường Bờ Biển Ngà tăng 10 lần, thị trường Ghana tăng 3,3 lần.
Với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu trong quý 1/2025 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Mặt hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tỷ trọng chiếm 44,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu lần lượt là 9,6% và 6%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng rau quả trong quý đầu năm nay sang thị trường Trung Quốc giảm 38,9%, thị trường Hoa Kỳ tăng 65,5%, thị trường Hàn Quốc tăng 0,1%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh nhất ở thị trường Anh với mức tăng 77,8% và giảm mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc với mức giảm 38,9%...
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn quý 1/2025 đạt 1,2 triệu tấn, với kim ngạch 379,7 triệu USD, tăng 29,7% về khối lượng, nhưng giảm 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 310,2 USD/tấn, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2024. Mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc.
ẤN TƯỢNG VỚI THỦY SẢN VÀ ĐỒ GỖ
Cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản quý 1/2025 ước xuất siêu 4,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó nhóm lâm sản ước xuất siêu 3,54 tỷ USD, tăng 9,1%; nhóm thủy sản ước xuất siêu 1,51 tỷ USD, tăng 14,1%; nhóm nông sản ước xuất siêu 1,48 tỷ USD, tăng 16,9%.
Ngược lại, có 3 nhóm hàng ở trạng thái nhập siêu là nhóm đầu vào sản xuất: 1,21 tỷ USD, giảm 4,7%; sản phẩm chăn nuôi: 905,7 triệu USD, tăng 37%; muối: 4,6 triệu USD, giảm 2,5%.
Đối với nhóm hàng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trong quý 1/2025, xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là ba thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 21,7%, 15,6% và 15,1%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng 75,9%, thị trường Nhật Bản tăng 13%, thị trường Hoa Kỳ tăng 14,5%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản tăng mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc với mức tăng 75,9%.
Với ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ, kim ngạch xuất khẩu trong quý 1/2025 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,6%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng 9,5%, thị trường Nhật Bản tăng 21%, thị trường Trung Quốc giảm 15,2%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất ở thị trường Ấn Độ với mức tăng 95,9% và giảm mạnh nhất ở thị trường Hà Lan với mức giảm 45,1%.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2025 phát hành ngày 07/04/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308
Chu Khôi