Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025: Tăng trưởng ấn tượng hai chữ số

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025: Tăng trưởng ấn tượng hai chữ số
một ngày trướcBài gốc
Báo cáo vừa công bố của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, riêng tháng 3/2025, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 6,14 tỷ USD, góp phần nâng tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm lên 15,72 tỷ USD, tăng 13% so với quý I/2024.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm nông sản tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch đạt 8,5 tỷ USD (tăng 12% so với cùng kỳ). Thủy sản tăng mạnh 18,1%, đạt 2,29 tỷ USD. Lâm sản duy trì đà tăng ổn định, đóng góp 4,21 tỷ USD (tăng 11,2%). Đáng chú ý, sản phẩm chăn nuôi cũng khởi sắc khi đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5%. Các mặt hàng đầu vào sản xuất và muối lần lượt đạt 549,5 triệu USD và 2,3 triệu USD, trong đó muối tăng hơn gấp đôi.
Tổng thặng dư thương mại ngành nông nghiệp quý I/2025 đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lâm sản là nhóm đóng góp lớn nhất với mức thặng dư 3,54 tỷ USD. Thủy sản đạt mức thặng dư 1,51 tỷ USD (tăng 14,1%), trong khi nông sản thặng dư 1,48 tỷ USD (tăng 16,9%).
Những mặt hàng đóng góp lớn nhất vào cán cân thương mại vẫn là gỗ và sản phẩm gỗ (thặng dư 3,29 tỷ USD), cà phê (2,79 tỷ USD), tôm (792,6 triệu USD), rau quả (541,3 triệu USD) và gạo (454,7 triệu USD). Tuy nhiên, trong khi cà phê và tôm tăng mạnh lần lượt 48,3% và 36%, thì rau quả và gạo lại sụt giảm lần lượt 31,4% và 49,5% về giá trị thặng dư.
Xét theo khu vực, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 42% tổng kim ngạch. Tiếp theo là châu Mỹ (22,5%) và châu Âu (16,6%).
Trong từng thị trường cụ thể, Hoa Kỳ dẫn đầu với tỉ trọng 20,2%, tiếp đến là Trung Quốc (17,3%) và Nhật Bản (7,7%). Đáng chú ý, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng đột biến 26%, trong khi Mỹ tăng 13,5% và Trung Quốc tăng khiêm tốn 3,6%.
Cà phê nổi bật trong quý này với thành tích ấn tượng: Dù lượng xuất khẩu giảm 12,9% còn 509.500 tấn, nhưng giá trị lại tăng vọt 49,5% lên 2,88 tỷ USD, nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh 71,7% đạt 5.656 USD/tấn. Đây là mức giá cao hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Ngược lại, xuất khẩu gạo dù tăng nhẹ 0,6% về lượng (đạt 2,2 triệu tấn) nhưng lại giảm gần 20% về giá trị do giá gạo bình quân giảm sâu. Thị trường Philippines tiếp tục dẫn đầu, trong khi Bờ Biển Ngà bất ngờ nổi lên với tốc độ tăng trưởng gấp 10 lần.
Chè xuất khẩu tăng trưởng khả quan cả về lượng lẫn giá trị, đạt 27.300 tấn với doanh thu 44,4 triệu USD; thị trường Nga tăng trưởng ấn tượng 33,5%.
Ở chiều ngược lại, điều là mặt hàng ghi nhận sụt giảm mạnh 19,3% về lượng nhưng vẫn đạt giá trị 841 triệu USD nhờ giá bán bình quân tăng 29%. Xuất khẩu điều sang Trung Quốc giảm mạnh 50%, trong khi Mỹ và Hà Lan vẫn giữ vững nhu cầu.
Hạt tiêu là một điểm sáng tương đối, dù lượng giảm 16,7% nhưng giá trị lại tăng 37,3% do giá xuất khẩu tăng gần 65%.
Những con số tích cực trong quý I/2025 cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ thị trường toàn cầu, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do. Tuy vậy, sự phân hóa giữa các nhóm hàng cũng đặt ra yêu cầu tái cơ cấu sản xuất, thích ứng linh hoạt với biến động giá cả quốc tế và nhu cầu tiêu dùng từng khu vực.
Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm bội thu của ngành nông nghiệp Việt Nam, không chỉ về lượng mà cả về chất.
Hùng Nguyễn
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-quy-i-2025-tang-truong-an-tuong-hai-chu-so-317043.html